Pakistan tìm kiếm nguồn lực tài chính lớn để phục hồi bền vững sau lũ

Pakistan và LHQ sẽ đồng tổ chức hội nghị quốc tế vào ngày 9/1 tại Geneva để tìm kiếm nguồn tài chính và hỗ trợ khác cho quá trình phục hồi lâu dài và kế hoạch nâng cao sức chống chịu trong dài hạn.
Pakistan tìm kiếm nguồn lực tài chính lớn để phục hồi bền vững sau lũ ảnh 1Người dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt tại tỉnh Balochistan, Pakistan ngày 26/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lãnh đạo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ Pakistan phục hồi sau trận lũ lụt lịch sử năm ngoái và tăng khả năng ứng phó với các vấn đề khí hậu, trong bối cảnh quốc gia này có nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng nếu không được hỗ trợ để phục hồi kịp thời.

Đến nay, tình hình lũ lụt tại Pakistan vẫn diễn biến phức tạp. Một số khu vực xung yếu vẫn chìm trong nước lũ.

Chính quyền Pakistan đã sơ tán người dân đến các khu vực an toàn, nhưng thiệt hại do lũ lụt gây ra ước tính có thể lên tới 30 tỷ USD.

[Pakistan: Lũ lụt khiến gần 1.500 người chết, thiệt hại 30 tỷ USD]

Tổng Giám đốc UNDP, ông Achim Steiner, nhấn mạnh trận lũ đã tàn phá nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề đối với nền kinh tế, cũng như hệ thống thông tin liên lạc, mùa màng, nhà cửa và đường sá ở nhiều vùng của Pakistan.

Theo ông Steiner, những cú sốc to lớn mà Pakistan đang phải đối mặt "đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải tăng cường hợp tác" để hỗ trợ nước này phục hồi.

Nếu không, Pakistan sẽ vẫn bị "mắc kẹt trong tình trạng không thể phục hồi, và trong nhiều năm, có thể trong nhiều thập niên nước này sẽ tụt hậu so với tiềm năng thực sự."

Ông nhấn mạnh việc hỗ trợ đất nước dễ bị tổn thương vì biến đổi khí hậu như Pakistan tái thiết bền vững là cách duy nhất để hạn chế những thiệt hại, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

Nhằm huy động nguồn tài trợ trong bối cảnh quốc gia Nam Á này phải nỗ lực tái thiết đất nước sau khi các trận lũ lụt nghiêm trọng, Pakistan và Liên hợp quốc sẽ đồng tổ chức hội nghị quốc tế vào ngày 9/1 tại Geneva (Thụy Sĩ) để tìm kiếm nguồn tài chính và hỗ trợ khác cho quá trình phục hồi lâu dài và kế hoạch nâng cao sức chống chịu trong dài hạn.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres schủ trì cuộc họp này, trong đó bao gồm các bài phát biểu của một số nguyên thủ quốc gia và chính phủ.

Liên hợp quốc cho biết Pakistan cần hơn 16 tỷ USD để phục hồi sau các trận lũ lụt nghiêm trọng hồi năm ngoái cũng như ứng phó tốt hơn với tình trạng biến đổi khí hậu.

Trận lũ lụt hồi tháng 6/2022 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của 33 triệu người, phá hủy 1,7 triệu ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của gần 1.400 người.

Hàng triệu người phải sơ tán và đến nay vẫn chưa thể quay trở về nhà, trong khi nước lũ chưa rút dẫn đến nguy cơ lây lan hàng loạt dịch bệnh.

Trong khi đó, giá thực phẩm tăng vọt và theo số liệu của Liên hợp quốc, số người đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi lên 14,6 triệu người.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính 9 triệu người có thể rơi vào cảnh nghèo đói do ảnh hưởng của lũ lụt tại Pakistan.

Pakistan, quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới, chỉ chiếm 0,8% lượng phát thải toàn cầu nhưng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước thời tiết khắc nghiệt do tác động của biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.