Ngày 16/10, Tổng thư ký Ủy ban trung ương phong trào Fatah của Palestine, ông Jibril Rajoub cho rằng việc Mỹ và sau đó là Israel cùng quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) là một sai lầm.
Phát biểu trong một buổi họp báo, ông Rajoub nhấn mạnh: “Chúng tôi, những người Palestine, tin rằng tư cách thành viên UNESCO là vô cùng quan trọng. Việc Mỹ và Israel rút khỏi tổ chức này là một sai lầm. Những hành động đó không tuân thủ các quy định quốc tế”.
Ông Rajoub cũng khẳng định Mỹ và Israel sẽ chỉ bị thua thiệt với những quyết định này.
Trong khi đó, Đại sứ Palestine tại Nga Abdel Hafiz Nofal cho rằng việc Israel rời khỏi UNESCO sẽ khó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình hòa bình Israel-Palestine.
Theo ông Nofal, Mỹ và Israel nên trở lại UNESCO vì đây là “một trong những tổ chức tốt nhất” trên thế giới.
Trước đó, hôm 12/10, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và quyết định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 31/12 tới.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ quyết định trên "phản ánh những quan ngại ngày càng lớn của Mỹ đối với UNESCO, sự cần thiết của việc cải cách tổ chức này cũng như việc tổ chức này duy trì thành kiến chống Israel".
Tuyên bố nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò là quan sát viên để đóng góp quan điểm và chuyên môn cho UNESCO.
[Theo chân Mỹ, Israel cũng tuyên bố rút khỏi tổ chức UNESCO ]
Cũng trong ngày 12/10, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này sẽ rút khỏi UNESCO sau khi Mỹ vừa đưa ra quyết định tương tự.
Văn phòng Thủ tướng Israel đưa ra một tuyên bố, trong đó nêu rõ ông Netanyahu đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Israel chuẩn bị các thủ tục để rời khỏi UNESCO cùng với Mỹ.
Cũng theo tuyên bố, ông Netanyahu hoan nghênh quyết định rút khỏi UNESCO của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
UNESCO, có trụ sở tại Paris (Pháp) và bắt đầu hoạt động từ năm 1946.
Đây là một tổ chức của Liên hợp quốc có uy tín cao, có đông đảo thành viên và nhiều đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực hoạt động chính của tổ chức này là giáo dục, văn hóa, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin và truyền thông.
Mỗi năm, Mỹ đóng góp khoảng 80 triệu USD cho UNESCO, tương đương 20% ngân sách của tổ chức này.
Năm 2011, Mỹ từng ngưng việc đóng góp khoản ngân sách lớn cho UNESCO nhằm phản đối quyết định của tổ chức này trao quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine./.