Ngày 14/7, giới chức cấp cao Palestine cho biết Chính quyền Palestine (PA) đang nỗ lực thúc đẩy ý tưởng tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế giữa Israel và Palestine cùng với một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Theo đó, PA đề nghị thỏa thuận ngừng bắn không chỉ giúp chấm dứt sự thù địch mà còn bao gồm nhiều biện pháp giúp tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông đang bị đình trệ.
Ngoài việc tổ chức hội nghị cấp cao quốc tế gồm các đại diện đến từ PA, Israel và các nước Arab, đề xuất của Palestine bao gồm nhiều điều khoản khác như chuyển quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập cho PA; triển khai các lực lượng PA dọc theo tuyến đường trên biên giới giữa Dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập; trả tự do cho các thành viên Hamas vừa bị các lực lượng an ninh Israel bắt giữ trong những tuần gần đây và tăng cường sự kiểm soát của Palestine đối với cửa khẩu Erez giữa Israel và phía Bắc Gaza.
Sau khi Ai Cập đưa ra sáng kiến nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực leo thang tại Dải Gaza, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng ủng hộ động thái tích cực này. Ngày 14/7, Liên đoàn Arab (AL) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế có những động thái khẩn trương hơn nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và phong trào Hamas, đồng thời buộc hai bên tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn năm 2012.
Tại cuộc họp khẩn ở Cairo, ngoại trưởng các nước thành viên AL cảnh báo rằng thái độ bàng quan của cộng đồng quốc tế trước hành động leo thang quân sự của Israel tại Dải Gaza có thể ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ khu vực. AL cũng kêu gọi Mỹ gây áp lực buộc Israel phải tôn trọng các công ước và thỏa thuận quốc tế, cũng như tạo điều kiện đàm phán tiến tới chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.
Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hoan nghênh đề xuất của Ai Cập, đồng thời khẳng định ưu tiên của Mỹ hiện nay là nỗ lực khôi phục lệnh ngừng bắn đạt được giữa Israel và Hamas năm 2012. Theo ông Obama, Israel có quyền phòng vệ trước các loạt tấn công rocket nhằm vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, việc tấn công trả đũa gây thương vong cho dân thường là một "thảm kịch".
Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Nhà Trắng cũng cảnh báo Israel không phát động bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào nhằm vào Dải Gaza, cho rằng một cuộc tấn công như vậy sẽ chỉ gây thương vong đối với dân thường và làm bạo lực leo thang tại vùng lãnh thổ này. Đây là lần đầu tiên Nhà Trắng công khai phản đối một cuộc tấn công toàn diện của Israel vào Gaza.
Trong khi cộng đồng quốc tế đang tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, giới chức an ninh tại Bờ Tây cho biết ngày 14/7, quân đội Israel đã bắt giữ 11 nghị sỹ của phong trào Hamas trong một chiến dịch tại vùng lãnh thổ này. Các nghị sỹ này bị bắt giữ khi quân đội Israel đổ bộ vào các thành phố và thị trấn của Bờ Tây như Tulkarem, Hebron, Nablus, Ramallah và Jenin.
Theo Hamas, phía Israel đã bắt giữ ít nhất 30 nghị sỹ của lực lượng này, trong đó có cả Chủ tịch Quốc hội Aziz Sweik, kể từ ngày 12/6.
Các vụ bắt bớ diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tấn công nhằm vào Dải Gaza có tên gọi "Bảo vệ biên giới" mà Israel phát động từ ngày 8/7 vừa qua đã khiến 186 người Palestine, trong đó chủ yếu là dân thường, thiệt mạng và hơn 1.300 người bị thương./.