Ngày 17/12, Liên hợp quốc và Chính quyền Palestine kêu gọi khoản tiền viện trợ nhân đạo 350 triệu USD cho người Palestine vào năm tới trong bối cảnh ngân quỹ đang ở mức "thấp kỷ lục."
Kế hoạch Ứng phó nhân đạo năm 2019 phác thảo 203 dự án sẽ được thực hiện bởi 88 tổ chức khác nhau, bao gồm các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ.
Ông Jamie McGoldrick, điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc đối với các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, cho biết kế hoạch trên ưu tiên 1,4 triệu người Palestine cần cứu trợ nhất về lương thực, y tế, chỗ ở, nước sạch và điều kiện vệ sinh.
Ông McGoldrick cho biết thêm hiện các nhà hoạt động nhân đạo đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, bao gồm mức kinh phí thấp kỷ lục trong khi các cuộc tấn công chống phá gia tăng.
Theo ông McGoldrick, mặc dù cần nhiều kinh phí hơn con số 350 triệu USD nêu trên, nhưng đây là con số thiết thực để thực hiện mục tiêu trong tình hình khó khăn hiện nay.
Năm qua, Mỹ đã cắt giảm viện trợ cho Palestine, bao gồm viện trợ cho Cơ quan Liên hợp quốc vì người tị nạn Palestine (UNRWA) để giúp đỡ 5 triệu người tị nạn. Mỹ cam kết viện trợ 365 triệu USD trong năm 2018 nhưng mới chỉ cung cấp 60 triệu USD trước khi tuyên bố cắt viện trợ hồi tháng Tám.
Động thái này được xem như biện pháp gây áp lực để lãnh đạo Palestine đàm phán hoà bình với Israel.
Palestine muốn thành lập một nhà nước ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng kế từ chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên do Mỹ làm trung gian đổ vỡ vào năm 2014 và nỗ lực khởi động lại của Tổng thống Donald Trump cho đến nay rất ít tiến triển.
Theo kế hoạch trên, khoảng 77% kinh phí cho các dự án năm 2019 sẽ được chuyển đến Dải Gaza, bởi đây là khu vực phải đối mặt với “tình huống nhân đạo thảm khốc” do nhiều năm bị Israel phong tỏa, chia rẽ giữa các phe phái chính trị Palestine và tình trạng bạo lực gây nhiều thương vong./.