Ngày 27/6, một ủy ban của chính quyền Palestine (PA) đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với các đảng phái tại Palestine, gồm cả phong trào Hamas đang kiểm soát Dải Gaza, nhằm nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết mới.
Ủy ban, do cựu lãnh đạo phong trào Fatah Azzam al-Ahmad dẫn đầu, sẽ có thời gian một tuần để tiến hành các cuộc đàm phán.
Theo ông Hanna Amireh, thành viên Ủy ban Điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ngoài các cuộc đàm phán với Hamas và các nhóm thánh chiến Hồi giáo, ủy ban nói trên cũng sẽ lấy ý kiến của các đảng phái Palestine độc lập khác.
Tuy nhiên, ông Amireh cũng nhấn mạnh rằng nếu các cuộc đàm phán với Hamas thất bại, một chính phủ mới cũng có thể được thành lập mà không có sự tham gia của phong trào vũ trang này.
Quan chức này cũng nói thêm rằng Tổng thống Palestine Mamouh Abbas sẽ quyết định ai sẽ là người đứng đầu chính phủ mới, song hiện vẫn chưa có cá nhân nào được lựa chọn.
Việc giải tán chính phủ đoàn kết dân tộc hiện nay được Tổng thống Abbas đưa ra trong một cuộc họp của Fatah hồi giữa tháng này, song vấp phải sự phản đối của Hamas.
Hamas tuyên bố bác bỏ bất cứ quyết định mang tính đơn phương nào liên quan đến sự thay đổi của chính phủ đoàn kết mà không có sự thỏa thuận với tất cả các bên liên quan. Phong trào này cũng nhấn mạnh rằng PLO không có đủ thẩm quyền để đứng ra thành lập một chính phủ mới.
Chính phủ liên minh Palestine được thành lập từ tháng 4/2014, sau một thỏa thuận lịch sử chấm dứt 7 năm chia rẽ giữa phong trào Hamas và Fatah.
Sau thỏa thuận này, chính phủ đoàn kết của Palestine được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng giúp giải quyết các vấn đề thách thức của Palestine trong việc thành lập một nhà nước tương lai, đồng thời đẩy mạnh quá trình tái thiết Dải Gaza vốn bị tàn phá nặng nề sau chiến dịch quân sự của Israel.
Tuy nhiên, các mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Hamas và Fatah đã làm thất bại các nỗ lực của chính phủ đoàn kết./.