Trang mạng Al-monitor vừa đăng bài viết "Palestine và Nga tìm cách nâng cấp quan hệ," nội dung như sau:
Nga và Palestine đang hướng tới kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao. Trong một cuộc phỏng vấn với báo chí Nga trước thời điểm tổ chức lễ kỷ niệm, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, nói rằng Nga là "một trong những người bạn chính yếu của nhân dân Palestine" và cho biết "chúng tôi hoàn toàn hài lòng với cách mối quan hệ này phát triển - từ khi còn là Liên Xô cho đến Liên bang Nga sau đó. Mối quan hệ này luôn tốt đẹp và chưa bao giờ có bất kỳ thay đổi nào kể từ thời Liên Xô đến nay. Chúng tôi không cần phải kêu gọi Nga ủng hộ trên các diễn đàn quốc tế mà Nga luôn ủng hộ và đứng về phía nhân dân chúng tôi."
Quan hệ song phương giữa Palestine và Liên Xô được chính thức thiết lập năm 1974 khi Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) mở Văn phòng tại Moskva.
Tuy nhiên, trên thực tế PLO và Liên Xô đã có liên lạc với nhau ít năm trước đó. Năm 1968, Tổng thống Cộng hòa Arab Thống nhất, Gamal Abdel Nasser, đã giới thiệu Yasser Arafat cho nhà lãnh đạo Xô Viết trong chuyến thăm tới Moskva.
Trước khi Liên Xô sụp đổ, Palestine và vấn đề Palestine là một phần trong cuộc chiến tư tưởng của Moskva với phương Tây.
Mối quan hệ giữa Liên Xô với Israel đã bị cắt đứt vào năm 1967 sau khi nổ ra cuộc Chiến tranh Sáu ngày tại Trung Đông giữa Israel và các quốc gia láng giềng Arab. Các diễn biến đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai siêu cường tại Trung Đông.
Sau khi Liên Xô sụp đổ và làn sóng người Liên Xô gốc Do Thái trở về Israel trong những năm 1990, mối quan hệ giữa Moskva và Israel bắt đầu được hâm nóng trở lại.
Liên lạc được thực hiện thông qua nhiều cấp độ khác nhau, từ kinh doanh cho đến chính trị và văn hóa. Ngoài ra, mặc dù có một số khác biệt về các vấn đề tại Trung Đông nhưng hai nước đã xích lại gần nhau hơn trong các vấn đề an ninh.
Trong khi đó, Nga tìm cách áp dụng cách tiếp cận cân bằng và có khoảng cách đối với vấn đề xung đột Israel-Palestine.
Nga duy trì kiềm chế trong việc chỉ trích các hành động của Israel, ngoại trừ kiên định kêu gọi Tel Aviv tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Có ý kiến cho rằng Moskva đã trở thành nhân tố đồng hậu thuẫn cho tiến trình hòa bình Trung Đông nếu đàm phán Israel-Palestine vẫn được duy trì trong chương trình nghị sự của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn không có tiến triển nào trong tiến trình này.
Moskva nhận thức rõ sự trì trệ đó nhưng không từ bỏ sứ mệnh trung gian, trái ngược với các nỗ lực của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc thay đổi khuôn khổ giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đã được thiết lập trước đây.
Dmitry Polyanskiy, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên hợp quốc, bình luận về quyết định của Chính quyền Trump không xem các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây là "phi pháp" rằng "Mỹ đã có thêm một bước đi nữa làm xói mòn hệ thống các thỏa thuận đã được đồng thuận. Rõ ràng bước đi của Mỹ sẽ càng làm tồi tệ hơn tình trạng hiện nay của tiến trình đàm phán hòa bình Israel-Palestine."
Moskva có phản ứng tương tự đối với việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Tuy nhiên, công cụ duy nhất mà Moskva hiện có để áp đặt ảnh hưởng lên cuộc xung đột Israel-Palestine là các tuyên bố công khai và ủng hộ quan điểm của Palestine tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
[Tổng thống Palestine bày tỏ lập trường về mối quan hệ với Israel, Nga]
Nga cố gắng làm trung gian cho quá trình đàm phán hòa giải giữa Hamas và Fatah nhưng không có kết quả. Moskva gần như không thể bị đổ lỗi là đã không nỗ lực hết sức. Đến nay không ai có đủ khả năng hòa giải cho vấn đề nội bộ của Palestine.
Bên cạnh ngoại giao truyền thống, Moskva cũng đang khai thác khía cạnh "tinh thần" của mối quan hệ song phương. Tính chất chính thống giáo trên thực tế đã thay thế cho yếu tố ý thức hệ, vốn đã biến mất sau khi Liên Xô sụp đổ.
Yếu tố tôn giáo cần thiết như là một nền tảng vững chắc chứng minh cho lợi ích của Nga trong vấn đề Palestine và tại Trung Đông nói chung. Moskva đang chơi quân bài của người bảo vệ Kitô giáo, vai trò mà Nga đã bỏ quên lâu nay.
Lịch sử kéo dài hơn một thế kỷ tràn ngập các sự kiện, bao gồm cuộc chiến với Đế chế Ottoman và va chạm với phương Tây. Đây không phải là nguyên tắc "hãy để quá khứ ngủ yên" vì ký ức của lịch sử có vai trò lớn trong định hình chiến lược chính trị hiện nay của Nga.
Năm 2012, Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ động thổ xây dựng một ngôi nhà cho các tín đồ hành hương người Nga tại khu vực tiến hành lễ rửa tội cho Chúa Jesus.
Tổng thống Putin bắt đầu cho xây dựng khi Vua Jordan Abdullah II trao 1 hecta đất cho nhà thờ Chính thống Nga vào năm 2006 để sử dụng theo mục đích nghi lễ. Năm 2012, mảnh đất này trở thành tài sản của Nga.
Tại Jericho, Nga đã hỗ trợ xây dựng một bảo tàng và tổ hợp công viên trên đất của Nga.
Giáo sư Leonid Belyaev chuyên nghiên cứu về lịch sử Palestine cho rằng "Tại sao chúng ta phải đi quá xa? Cần hiểu rằng gốc rễ của những lễ thánh của người Nga bắt đầu từ thời kỳ Byzantium (Đông La Mã). Nếu các bạn không biết lịch sử của Byzantium, bạn sẽ không bao giờ hiểu được lịch sử của người Nga."
Kết quả là quan hệ với Palestine là một phần trong nỗ lực của Nga để xây dựng đặc trưng riêng của chính người Nga.
Bethlehem đã chứng kiến việc khai trương Trung tâm văn hóa Nga và giống như trong thế kỷ 19, hai ngôi trường tại Palestine đã nối lại việc dạy tiếng Nga từ vài năm trước.
Tại Bethlehem, Moskva cũng đóng góp cho dự án xây dựng tại trung tâm thành phố này, đặt tên là Đường Ngôi sao, nối Quảng trường Manger đến nhà thờ Nativity (nhà thờ Lễ Thánh đản) và đóng góp cho việc phục dựng nhà thờ này.
Việc xây dựng con đường này đã sắp hoàn thành và lãnh đạo Palestine hy vọng sẽ đón Tổng thống Putin vào lễ khai trương.
Tổng thống Putin dự định thăm Israel vào cuối tháng 1/2020. Tổng thống Abbas nói rằng người Palestine sẽ rất hạnh phúc nếu Tổng thống Putin chấp nhận lời mời đến thăm Bethlehem vào ngày lễ Noel.
Năm 2012, một con đường tại Bethlehem đã được đặt tên là Putin. Tương tự, nhà thờ chính thống giáo cũng đánh giá cao nước Nga.
Trong chuyến thăm Moskva vào giữa tháng 11/2019, Theophilos III, Giáo trưởng Jerusalem, nói: "Chúng tôi muốn bày tỏ sự cám ơn tới nước Nga vì sự ủng hộ đối với sự hiện diện của Kitô giáo tại Đất Thánh và Trung Đông. Chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự biết ơn tới Tổng thống Vladimir Putin vì sự lãnh đạo và cam kết đối với nhà thờ tại Đất Thánh."
Ngoài ra, Moskva cũng xem các dự án giáo dục như là một bộ phận cấu thành quan trọng trong hợp tác song phương. Vào cuối năm 2008, khoảng 608 sinh viên người Palestine học tập tại các trường đại học của Nga. Trong số này, 234 người đang nghiên cứu trong lĩnh vực y tế.
Về hợp tác kinh tế song phương, lĩnh vực này không được sôi động như hợp tác văn hóa và nhân đạo nhưng vẫn tồn tại.
Nga và Palestine vừa tổ chức lễ kỷ niệm và tiến hành phiên họp lần thứ 4 của Ủy ban liên chính phủ Nga-Palestine về hợp tác Thương mại và Kinh tế tại Moskva.
Mặc dù hai nước đã có bề dày lịch sử quan hệ ngoại giao, nhưng Ủy ban này mới được thành lập năm 2015.
Năm 2018, thương mại giữa hai bên tăng 66%, lên 5,05 triệu USD nhờ việc Nga gia tăng cung cấp các sản phẩm kim loại, gỗ, ngũ cốc và bột cacao tới Palestine.
Xuất khẩu của Palestine sang Nga chủ yếu tập trung vào hàng tiêu dùng, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp.
Phiên họp năm 2019 của Ủy ban thương mại nêu trên đã đưa ra lộ trình hợp tác về nông nghiệp, giáo dục, vận tải, chăm sóc y tế và du lịch.
Hai bên ký một thỏa thuận về đào tạo chuyên gia tại trường Đại học Birzeit. Mặc dù vậy, chúng ta phải chờ xem lộ trình này được cụ thể hóa như thế nào vì tiến trình hòa bình Trung Đông có ít hy vọng tiến triển.
Trong bối cảnh đó, quan hệ văn hóa và ngoại giao có thể sẽ chi phối hợp tác của hai bên trong những năm tới./.