Panama đang soạn thảo một dự luật gồm nhiều biện pháp nhằm chống lại các nước đã liệt quốc gia Trung Mỹ này vào danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế sau khi xảy ra vụ rò rỉ tài liệu mang tên "Hồ sơ Panama" liên quan đến hoạt động của công ty luật Mossack Fonseca.
Thông cáo ngày 2/8 của Chính phủ Panama nêu rõ dự luật này cho phép áp đặt các biện pháp về di trú, thương mại và thuế đối với các công ty hoặc cá nhân thuộc các nước đã có "các hành vi phân biệt hoặc gián tiếp gây thiệt hại cho các lợi ích của Panama."
Pháp, nước đã đưa Panama quay lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế hồi tháng 4 vừa qua, nhiều khả năng sẽ chịu tác động từ động thái đáp trả trên của Panama.
Năm 2012, Pháp đã xóa tên Panama khỏi danh sách này sau khi hai nước ký thỏa thuận về chống gian lận thuế. Ngoài ra, Colombia cũng là mục tiêu. Nếu được thông qua, Panama có thể tiếp tục duy trì thuế đối với mặt hàng dệt may nhập khẩu từ Colombia bất chấp quyết định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) yêu cầu dỡ bỏ thuế.
Dự kiến, Quốc hội Panama sẽ thảo luận và bỏ phiếu phê chuẩn dự luật trên.
Vụ "Hồ sơ Panama" hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, cũng như những bí mật của giới siêu giàu trên toàn thế giới. Theo một phần trong số 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", giúp khoảng 140 chính trị gia cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn nộp thuế.
Số tài liệu này ghi lại hoạt động hàng ngày của công ty luật Mossack Fonseca trong suốt 40 năm qua và được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay.
Sau vụ bê bối này, Panama đã cam kết đẩy mạnh cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế, đồng thời hợp tác với Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhằm cải thiện sự minh bạch tài chính tại nước này./.