Hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) ngày 18/2 tuyên bố đã bắt đầu dự án nghiên cứu quốc tế với sự tham gia của 4.000 tình nguyện viên nhằm đánh giá mức độ hiệu quả và an toàn của vắcxin COVID-19 đối với các phụ nữ mang thai khỏe mạnh.
Phụ nữ mang thai là đối tượngcó nhiều nguy cơ mắc bệnh COVID-19 ở mức nghiêm trọng. Điều này khiến nhiều chuyên gia y tế đã đề xuất phụ nữ mang thai làm việc trong những ngành nghề có nguy cơ nhiễm bệnh cao nên tiêm chủng, dù hiện chưa có bằng chứng cho thấy các loại vắcxin hiện nay có an toàn cho họ hay không.
Tuần vừa qua, Viện Y tế Quốc gia Mỹ kêu gọi các dự án nghiên cứu vắcxin COVID-19 cần phải nghiên cứu việc sử dụng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tuy nhiên, các hãng dược khẳng định họ phải ưu tiên đảm bảo vắcxin an toàn và hiệu quả cho người dân đại chúng.
Tại Mỹ, cơ quan quản lý cấp phép yêu cầu các hãng dược phải tiến hành nghiên cứu mức độ an toàn của vắcxin trên động vật có thai trước khi thử nghiệm cho phụ nữ mang thai để đảm bảo không ảnh hưởng tới thai nhi hoặc có thể dẫn đến sảy thai.
Các hãng dược cho biết số liệu nghiên cứu đến nay chưa thấy có rủi ro nào và nhiều phụ nữ mang thai ở Mỹ đã được tiêm những liều vắcxin đầu tiên.
Dự án của Pfizer/BioNTech sẽ nghiên cứu phụ nữ có thai từ 18 tuổi trở lên ở Mỹ, Canada, Argentina, Brazil, Chile, Mozambique, Nam Phi, Anh và Tây Ban Nha. Họ sẽ được tiêm chủng trong khoảng từ tuần 24-34 của thai kỳ, với 2 mũi tiêm cách nhau 21 ngày theo phác đồ đã được áp dụng trong thử nghiệm lâm sàng chung.
[Biến thể của virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi làm giảm công hiệu của vắcxin]
Liên quan đến vắcxin này, một nhà khoa học đang làm việc cho Pfizer cho biết hãng đang đàm phán gấp rút với cơ quan quản lý cấp phép để được thử nghiệm liều nhắc lại của vắcxin đối với biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện lần đầu tại Nam Phi và đang lây lan ở nhiều nơi trên thế giới.
Một trong các chuyên gia hàng đầu về vắcxin của Pfizer, ông ng Phil Dormitzer tin rằng loại vắcxin hiện nay của Pfizer/BioNTech vẫn rất hiệu quả đối với biến thể được phát hiện ở Nam Phi.
Chính vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời vắcxin không phải nhằm để thay thế các loại đang được sử dụng mà công tác nghiên cứu, sản xuất vắcxin luôn phải tính tới khả năng virus luôn biến đổi và dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàng mới nhất.
Pfizer cũng đã tạo mẫu ADN cho một loại vắcxin nguyên mẫu và dự kiến sẽ sản xuất một lô nguyên mẫu đó. Hãng cũng dự định sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 đối với liều nhắc lại của vắcxin nguyên mẫu đó và so sánh với liều nhắc lại của vắcxin hiện đang được sử dụng.
Một nghiên cứu tại phòng thí nghiệm được công bố ngày 17/2 cho thấy biến thể virus phát hiện tại Nam Phi có thể làm giảm tới 2/3 kháng thể bảo vệ do vắcxin Pfizer/BioNTech tạo ra.
Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ tỷ lệ giảm là bao nhiêu thì sẽ ảnh hưởng tới tính hiệu quả của vắcxin đối với virus./.