Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Mali bị tấn công

Hai dân thường và một binh sỹ gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng trong một vụ tấn công của các tay súng chưa rõ danh tính vào doanh trại của Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc về ổn định Mali tại Kidal.
Binh sỹ MINUSMA tại Ansongo, Mali. (Nguồn: un.org)

Hai dân thường và một binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã thiệt mạng trong một vụ tấn công ngày 8/3 của các tay súng chưa rõ danh tính vào doanh trại của Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc về ổn định Mali (MINUSMA) tại thị trấn Kidal, miền Bắc nước này.

Trong thông cáo lên án mạnh mẽ hành động khủng bố này, MINUSMA cho biết vụ tấn công diễn ra lúc 5 giờ 40 sáng giờ địa phương (tức 12 giờ 40 giờ Việt Nam), hơn 30 quả rocket và đạn pháo đã phóng vào doanh trại của lực lượng đặt tại thị trấn Kidal. Khoảng hơn 1 giờ sau, sau khi xác định vị trí khai hỏa cách doanh trại 2km, các binh sỹ của MINUSMA đã bắn trả.

Theo đánh giá sơ bộ, ít nhất một binh sỹ gìn giữ hòa bình đã thiệt mạng, tám sỹ quan khác bị thương; cộng đồng dân cư du mục, bộ lạc Arab Kunta bên ngoài căn cứ cũng bị trúng rocket, khiến hai người chết, bốn người bị thương. Hiện các đội tuần tra trên không và trên bộ đã được triển khai.

Vẫn chưa rõ lực lượng nào tiến hành vụ tấn công trên, tuy nhiên, Kidal là khu vực hoạt động của liên minh vũ trang Tuareg. Ngoài ra tổ chức khủng bố al-Qaeda ở vùng Tây Bắc Phi và các nhóm cực đoan khác cũng hoạt động tại thị trấn này.

Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh quan ngại an ninh gia tăng sau cái chết của ba người châu Âu (trong đó có công dân Pháp và Bỉ) và ba người bản địa trong một vụ tấn công đêm 6/3 tại một câu lạc bộ đêm ở thủ đô Bamako của Mali.

Trước đó, ngày 1/3, Chính phủ Mali đã ký thỏa thuận hòa bình với một số nhóm phiến quân ở miền Bắc, một bước đi quan trọng để giải quyết dứt điểm khủng hoảng tại quốc gia này. Thỏa thuận này cụ thể hóa cam kết chấm dứt khủng hoảng tại Mali thông qua đối thoại và thực hiện hòa giải dân tộc trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Tuy nhiên, liên minh vũ trang Tuareg đã yêu cầu có thêm thời gian để tham vấn trước khi ký kết thỏa thuận hòa bình.

Mali rơi vào tình trạng hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền Bắc nước này trở thành sào huyệt của nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM) và một số lực lượng Hồi giáo cực đoan. Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục