Phóng viên TTXVN tại Moskva dẫn nguồn tin từ báo chí Nga cho biết sau 9 năm không tiến hành các vụ phóng tàu có người lái, Mỹ đang trở lại vũ trụ, với khả năng đưa con người vào quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Mặc dù kế hoạch phóng tàu vũ trụ Crew Dragon 2, dự kiến vào ngày 27/5, bị hoãn vào phút cuối và lùi đến ngày 30/5, song không ai nghi ngờ việc các phi hành gia vẫn được đưa vào vũ trụ.
Thêm 2 tàu có người lái mới của Mỹ là Boeing CST-100 Starliner và Dream Chaser dự kiến cũng sẽ bay vào vũ trụ trong năm nay.
Chuyến bay này sẽ đặt dấu chấm hết cho vai trò độc quyền của Nga trong việc đưa phi hành đoàn đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) từ năm 2011.
Trong 9 năm qua, cả Mỹ và các quốc gia khác đều không thể làm được gì nếu không có các dịch vụ của Nga đưa phi hành đoàn lên ISS.
Tuy nhiên, hiện giờ vấn đề đặt ra khá rõ ràng: Nga sẽ ứng phó với thách thức này như thế nào?
[COVID-19 gây xáo trộn cho phi hành đoàn tàu Soyuz trở về Trái Đất]
Trước đây, Nga đã làm gì để củng cố vị thế của mình trên vũ trụ? Trong khi Mỹ sẽ có 4 tàu vũ trụ mới (tính cả tàu Orion, chủ yếu dành cho các chuyến bay lên Mặt Trăng), Nga có bao nhiêu sản phẩm mới?
Có thể thấy rõ hầu hết các bổ sung cho phi đội vũ trụ của Mỹ là từ các sáng kiến tư nhân.
Cái tên Elon Musk, Giám đốc Điều hành công ty sản xuất hàng không vũ trụ SpaceX, giống như Richard Branson, Chủ tịch Tập đoàn Virgin, trong trường hợp này rất có ý nghĩa.
Ba trong số các tàu nói trên ra đời trong khuôn khổ chương trình Phát triển phi hành đoàn thương mại của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), được lập ra để hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Chính phủ đưa ra các đơn đặt hàng cho việc đưa phi hành đoàn lên vũ trụ, và các nhà thầu tư nhân cam kết thực hiện chúng.
Chương trình Dịch vụ tiếp tế thương mại được triển khai tương tự năm 2012, để vận chuyển hàng hóa lên ISS. Như vậy, NASA cố tình không lựa chọn một loại tàu, mà có một số loại.
Điều này được thực hiện trong khuôn khổ truyền thống cạnh tranh kinh tế của Mỹ, để tiền không rơi vào một túi, và để không phụ thuộc vào một nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp.
Nga, vẫn như trước đây, sử dụng tàu vũ trụ Soyuz - chiếc đầu tiên bay vào vũ trụ từ năm 1967. Tàu Soyuz đã chứng tỏ là thiết bị có độ tin cậy cao.
Nếu Mỹ đã để mất 2 trong số 5 tàu vũ trụ con thoi và làm 14 phi hành gia thiệt mạng, thì thảm họa cuối cùng của Soyuz, có thương vong về người, xảy ra năm 1971. Nói chung, từ quan điểm nay, có thể thấy rõ tàu con thoi là dự án bế tắc.
Cần hiểu rằng nước Nga ngày nay không phải là siêu cường như Liên Xô, Nga không có tiền để cạnh tranh ngang bằng với Mỹ trong vũ trụ. Tuy nhiên, Nga không thể từ bỏ vị thế hiện nay của mình.
Hình ảnh Nga, nước đầu tiên phóng vệ tinh nhân tạo cũng như đưa người lên vũ trụ, vẫn còn hiện hữu.
Chương trình vũ trụ quốc gia của Nga còn có thể trở thành phương tiện để tập hợp người dân, và là một trong những dự án công nghệ sáng tạo thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, vũ trụ, không giống như lĩnh vực hạt nhân, đã không nhận được sự quan tâm đúng mức của chính quyền trong thời gian dài.
Dự án nghiêm túc đầu tiên ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết - xây dựng sân bay vũ trụ Vostochny ở tỉnh Amur - dẫn đến một loạt vụ bê bối cấp cao liên quan đến trộm cắp tiền.
Chín năm đã trôi qua kể từ khi có quyết định xây dựng sân bay vũ trụ này cho đến lần phóng tên lửa đầu tiên năm 2016.
Và đến nay, sân bay vũ trụ Vostochny mới chỉ thực hiện 5 lần phóng trong 4 năm, điều không thể hiểu nổi nếu tính đến khoản tiền xây dựng nó.
Đối với các dự án mới, trong tương lai xa nhất chỉ có 1 dự án là tàu “Liên bang,” thay thế tàu Soyuz, song tương lai của nó rất mơ hồ và không chắc chắn.
Người ta thậm chí không biết khi nào con tàu này bay vào vũ trụ, bởi theo dự báo chính thức táo bạo nhất, con tàu dự kiến sẽ được đưa lên vũ trụ năm 2025, và thời điểm phóng liên tục bị lùi lại.
Rõ ràng là vào thời điểm tàu Liên bang được hiện thực hóa, nó sẽ không thể được coi là bước “đột phá sáng tạo."
Trong mọi trường hợp, Nga đã bị đánh bật khỏi lĩnh vực kinh doanh màu mỡ, như việc đưa các phi hành gia và hàng hóa lên ISS.
Hiện không có phương án thay thế cho các dự án của Mỹ đang được tạo ra hoặc lên kế hoạch. Nếu tàu Liên bang được thiết kế như một phương tiện vận tải lên Mặt Trăng, kế hoạch này một lần nữa lại đi sau người Mỹ, vốn dự định đổ bộ lên Mặt Trăng trong những năm tới. Như vậy, dự án hoàn toàn mất ý nghĩa tuyên truyền.
Cần lưu ý rằng trước tàu Buran, Liên Xô đã chi rất nhiều tiền trong dự án chế tạo tên lửa khổng lồ N-1, được thiết kế để bay lên Mặt Trăng, nơi tên lửa chưa từng được phóng đi. Do đó, lịch sử dường như cho thấy không bao giờ nên sao chép ý tưởng của người Mỹ, và cần tìm kiếm những cách riêng của mình.
Với ngân sách khiêm tốn dành cho chương trình vũ trụ, điều vô cùng quan trọng với Nga là đưa ra lựa chọn đúng đắn, nên chi tiêu vào mục đích gì. Đó cần là những chương trình đầy tham vọng sẽ cho phép Nga củng cố vị thế trên vũ trụ của mình hiện nay.
Có lẽ, đó thậm chí có thể là các chuyến bay không người lái, song đến được những hành tinh vẫn chưa được khám phá trong vũ trụ. Liên Xô đã thua Mỹ trong cuộc đấu giành kiểm soát “vũ trụ xa.”
Mỹ là nước đầu tiên đến được Sao Thủy, Sao Mộc, Sao Thổ và các hành tinh khác. Nga đã đặt cược vào nghiên cứu Sao Hỏa. Giờ đây, có lẽ Nga sẽ trở lại phân khúc này.
Liên Xô cũng bỏ lỡ thiên văn học vũ trụ - hãy nhớ cuộc cách mạng khoa học mà kính viễn vọng Hubble tạo ra. Điều này cũng có thể trở thành một điểm đầu tư vào thời điểm hiện nay.
Nga đang rất cần các dự án sẽ giúp khôi phục niềm tự hào dân tộc trên vũ trụ. Do các chuyến bay lên vũ trụ đã trở thành một lĩnh vực kinh doanh lớn, Nga không thể tụt hậu.
Trước đây ở Mỹ, các công ty tư nhân cung cấp tên lửa và thiết bị, và NASA tiến hành các vụ phóng. Nay khái niệm này đã thay đổi. Các doanh nghiệp tư nhân đảm nhận cả việc phóng tàu vũ trụ lẫn bảo trì chúng, trong khi NASA chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp tiền.
Cuộc cách mạng này cần diễn ra ở Nga. Chương trình nghị sự hiện nay cần các doanh nghiệp lớn của Nga về vũ trụ. Và đây là nhiệm vụ đối với chính phủ./.