Ngày 29/7, phái đoàn của Chính phủ Yemen tham dự các cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc làm trung gian tại Kuwait tuyên bố sẽ rời đi vào ngày 30/7, động thái báo hiệu sự đổ vỡ của các cuộc thương lượng với phiến quân Hồi giáo Houthi trong suốt bốn tháng qua.
Người phát ngôn của phái đoàn chính phủ Yemen Mohammad al-Emrani khẳng định đoàn "tổ chức các cuộc gặp chia tay trong ngày 29/7 và sẽ rời đi ngày 30/7." Ông nêu rõ "không thể có thêm bất cứ cuộc đàm phán nào" sau khi phiến quân Houthi công bố thành lập Hội đồng chính trị tối cao để điều hành Yemen, hành động mà phía chính phủ cho là "một cuộc đảo chính mới."
Ông al-Emrani cáo buộc chính liên minh Houthi và cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã phá hoại các cuộc hòa đàm tại Kuwait khi họ chưa bao giờ nghiêm túc về một giải pháp hòa bình.
Trước đó, phiến quân Houthi cùng đồng minh là đảng Đại hội Nhân dân toàn quốc (GPC) của cựu Tổng thống Saleh đã công bố thành lập Hội đồng chính trị tối cao để điều hành đất nước.
Thỏa thuận trên đã được ký kết vào ngày 28/7 tại thủ đô Sanaa của Yemen mà Houthi đang chiếm giữ. Hội đồng mới sẽ thay thế Hội đồng cách mạng tối cao do Houthi đứng đầu.
Theo thỏa thuận, hội đồng mới gồm 10 thành viên, sẽ áp dụng cơ chế lãnh đạo luân phiên, bao gồm một tổng thống và một phó tổng thống từ hai phía. Thông báo do Houthi đưa ra nêu rõ hội đồng mới "sẽ lãnh đạo đất nước trong mọi vấn đề chính trị, kinh tế, quân sự và an ninh và hoạch định các chính sách công."
Phản ứng trước động thái trên, chính phủ của Tổng thống Mansour Hadi cáo buộc phiến quân đã "giết chết hòa đàm."
Ngoại trưởng Yemen Abdulmalek al-Mikhlafi lên án đây là "một cuộc đảo chính mới." Trong khi đó, đặc phái viên Liên hợp quốc Ismail Ould Cheikh Ahmed nhận định việc thành lập hội đồng tối cao nói trên trái với cam kết tham gia hòa đàm và vi phạm nghiêm trọng Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời vi phạm hiến pháp Yemen.
Dự kiến đặc phái viên Ahmed sẽ có cuộc gặp với phía phiến quân trong ngày 29/7 và đại sứ của 18 nước ủng hộ tiến trình hòa bình tại Yemen.
Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Hadi phải sang lưu vong tại Saudi Arabia.
Các cuộc đàm phán hòa bình Yemen do Liên hợp quốc bảo trợ tại Kuwait đã rơi vào bế tắc khi các bên không thể thống nhất những vấn đề then chốt.
Phía Houthi yêu cầu thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc trước khi tiến tới bất kỳ một giải pháp nào khác, trong khi phái đoàn chính phủ Yemen kêu gọi thực thi Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó yêu cầu phiến quân Houthi và các đồng minh phải rút khỏi các khu vực chiếm giữ từ năm 2014, bao gồm cả thủ đô Sanaa, và bàn giao các vũ khí hạng nặng./.