Trao đổi với báo chí bên lề hành lang Quốc hội chiều 20/7, đại biểu Hoàng Văn Cường (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng kinh tế-xã hội phụ thuộc rất lớn vào việc phòng, khống chế dịch. Do đó, ưu tiên hàng đầu là cần phải đẩy mạnh việc phòng chống được dịch thông qua tiêm vaccine, nhất là các khu vực trọng điểm để thực hiện được miễn dịch cộng đồng.
Chính phủ "ra tay" hoàn thành mục tiêu kép
Thông tin về tác động của dịch COVID-19 tới kinh tế-xã hội trong 6 tháng đầu năm, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết đầu năm đến nay đã trải qua 2 “làn sóng” dịch COVID-19. Cả hai đợt này đều rơi vào các thời điểm được cho là nhạy cảm về tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đợt dịch lần thứ nhất của năm 2021 rơi vào đầu dịp Tết, thời kỳ các hoạt động về dịch vụ, du lịch, tiêu dùng được kỳ vọng phát triển thì lại phải đối mặt với dịch khiến kinh tế-xã hội gặp rất nhiều khó khăn.Tới lần thứ 2 này, mức độ của dịch nghiêm trọng hơn.
"Bị tác động bởi 2 đợt dịch như vậy rõ ràng đã kìm hãm quá trình phát triển kinh tế. Tuy vậy, thời gian qua, các biện pháp xử lý phòng chống dịch cũng như phát triển kinh tế của Chính phủ cũng khá linh hoạt," đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đưa ra dẫn chứng cụ thể, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết thời gian qua, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh được đánh gia là “tâm dịch” rất mạnh nhưng nhờ thực hiện tốt “mục tiêu kép,” nên không chỉ dịch được khống chế mà các hoạt động kinh tế cũng không bị đình trệ.
[Khai mạc kỳ họp Quốc hội đặc biệt: Nhân sự mới và phòng họp an toàn]
“Hay như vải. Năm 2021 là một năm được mùa, không những không bị ảnh hưởng dịch mà còn tiêu thụ rất tốt. Điều này thể hiện việc ‘ra tay’ của Chính phủ cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế đi cùng với công tác phòng chống dịch đã có được những kết quả. Cũng nhờ đó, tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2021 đã đạt 5,64%,” đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Tuy vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn những điểm cũng như công tác phòng chống dịch cần phải rút kinh nghiệm và lưu ý hơn.
Trong số đó, có những tỉnh chưa đến mức trầm trọng về dịch nhưng đã thực hiện một số biện pháp có thể nói là hơi “cực đoan” như là ngăn sông cấm chợ, phong tỏa ngay - việc này không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế trong phạm vi của tình, địa phương đó mà còn ảnh hưởng chung của cả nước.
Cùng với đó, một số nơi, việc ứng phó với dịch cũng chưa kịp thời, khoanh vùng chưa chặt chẽ, người dân tuân thủ cũng chưa nghiêm, dẫn tới thực trạng để lan truyền dịch trong cộng đồng trong thời gian qua.
Phân cấp, phân quyền tránh đùn đẩy trách nhiệm
Về việc Thủ tướng Chính phủ ngày 18/7 đã có thư gửi 7 Bộ trưởng (gồm Giao thông, Công An, Công thương, Lao động thương binh và xã hội, Xây dựng, Thông tin và truyền thông, Quốc phòng) về việc thành lập ngay tổ công tác đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của từng bộ tại Thành phố Hồ Chí Minh và giao một Thứ trưởng các bộ phụ trách, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định rất đồng tình với việc chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua.
“Thủ tướng đã phân định quyền, trách nhiệm cho các cấp rất rõ ràng, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại. Cá nhân tôi rất đồng tình với cách xử lý này,” đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Vị đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng lưu ý rằng phân cấp, phân quyền là việc rất cần thiết để tạo ra một cơ chế hữu hiệu của Chính phủ, để quy trách nhiệm cụ thể cho mỗi bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, ở đây phân cấp, phân quyền không có nghĩa là không có sự phối hợp với địa phương, không có nghĩa là mỗi địa phương hành động theo tư duy riêng của mình. Do vậy, cần có sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ và phải có kiểm tra, giám sát.
Chia sẻ thêm giải pháp cho thời gian tới, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết từ nay đến cuối năm, tình hình dịch COVID-19 dự báo sẽ còn rất phức tạp. Do đó, ưu tiên hàng đầu là cần phải đẩy mạnh việc phòng chống được dịch thông qua tiêm vaccine để sớm thực hiện được miễn dịch cộng đồng và hướng tới việc sớm “mở cựa” nền kinh tế hòa nhập được xu thế chung của nền kinh tế thế giới./.