Ngày 20/7, Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (ISC) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tổ chức "Phiên kết nối cung cầu công nghệ trực tuyến giữa doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản năm 2021."
Đây là lần đầu tiên ISC sử dụng cách thức kết nối đa nền tảng và cũng là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Việt Nam ứng dụng cách thức kết nối này.
Tại điểm cầu Hải Phòng (Việt Nam), ông Trần Quang Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng, khẳng định, hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo đang là nhu cầu hết sức cần thiết của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Hải Phòng nói riêng.
Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng đã chỉ đạo ISC tổ chức các buổi xúc tiến cung cầu công nghệ với đối tác nước ngoài, trong đó rất chú trọng đến thị trường Nhật Bản.
Việc làm này nhằm cập nhật, nắm bắt các xu thế công nghệ mới, thúc đẩy chuyển giao, phát triển công nghệ từ nước ngoài vào thành phố Hải Phòng. Từ các phiên kết nối, phía các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
[Hơn 500 chuyên gia tham dự Diễn đàn trí thức Việt Nam tại Nhật Bản]
Từ điểm cầu Tokyo (Nhật Bản), ông Takiguchi, Giám đốc của Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (SMRJ), cho biết, tổ chức này thực hiện các chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản. SMRJ đã hỗ trợ cho 3,58 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển toàn cầu hóa của nền kinh tế SMRJ hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Ông Takiguchi cho biết thêm, ngoài việc tổ chức các hội nghị trực tuyến, SMRJ còn sử dụng hình thức trao đổi trực tuyến của "J-GoodTech"(sàn giao dịch thương mại điện tử) để hỗ trợ việc kết nối giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nước ngoài. Hiện tại, có hơn 20.000 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng hình thức này.
Theo ISC, tham gia phiên kết nối cung cầu trực tuyến lần này có 12 doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng và giới thiệu công nghệ. Các doanh nghiệp chia làm ba nhóm lĩnh vực gồm: công nghệ, thiết bị gia công cơ khí, tự động hóa; công nghệ thiết bị nông nghiệp, chế biến nông sản và công nghệ, thiết bị lĩnh vực khác.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia kết nối đến từ các trung tâm công nghệ và công nghiệp lớn của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Hiroshima, Nagoya.
ISC Hải Phòng nhận được 80 đề nghị kết nối của hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố. Để đảm bảo chất lượng, hiệu quả các cuộc kết nối, Ban Tổ chức đã lựa chọn kết nối 36 cuộc. Các cuộc còn lại sẽ được kết nối qua sàn giao dịch công nghệ trực tuyến Hatex.vn do ISC quản lý và https://jgoodtech.smrj.go.jp do SMRJ quản lý.
Điểm mới của phiên kết nối trực tuyến này là được thực hiện trong phòng họp trực tuyến với 5 đầu cầu trong một phòng họp gồm bên cung, bên cầu, phiên dịch, đại diện tổ chức hỗ trợ Việt Nam và Nhật Bản.
Việc gặp gỡ trực tuyến vừa đáp ứng các nhu cầu kết nối của hai bên, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, dịch COVID-19. Lễ khai mạc của phiên kết nối được ghi hình và phát trực tiếp trên kênh Youtube của ISC và các nền tảng xã hội khác để nhiều đại biểu có thể xem và tương tác. Theo Ban Tổ chức, đã có hàng nghìn lượt người theo dõi, tương tác buổi phát trực tiếp này.
Sau phiên kết nối, Ban Tổ chức tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp hai bên đàm phán, thương thảo và ký kết hợp đồng.
Dự kiến đến tháng 9/2021, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng tiếp tục tổ chức phiên kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Hà Lan.
Đến thời điểm hiện tại, ISC Hải Phòng đã tổ chức hàng trăm buổi kết nối cung cầu công nghệ với các đối tác cung cấp và chuyển giao công nghệ tại nhiều quốc gia có nền khoa học, công nghệ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga.../.