Nhấn mạnh từ ngày 1/1/2025 sẽ phải triển khai phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhưng nhiều người dân vẫn chưa hiểu cách thực hiện và nhiều địa phương chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao trong thời điểm hiện tại.
Chưa hiểu rõ việc phân loại rác
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết tại dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.
Quốc hội khóa XV: Khắc phục những bất cập trong quản lý an toàn thực phẩm
Đại biểu Trần Thị Thanh Lam cho rằng cần có chính sách khuyến khích đầu tư để đảm bảo sản phẩm hàng hóa trong nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nhiều vấn đề cần có giải pháp để tháo gỡ.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cả hai chuyên đề xem xét để giám sát tối cao trên đều là những vấn đề trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên nếu chọn 1 trong 2 chuyên đề để giám sát tối cao thì chuyên đề 1 về “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” là vấn đề cần thiết phải giám sát tối cao hơn trong thời điểm hiện tại.
Lý do, theo nữ đại biểu Quốc hội của đoàn Hải Dương, là bởi tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề “nóng” được đông đảo cử tri hết sức quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng lưu ý việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay cũng đang có nhiều khó khăn, nhất là sắp tới - ngày 1/1/2025 là thời hạn bắt buộc phải phân loại rác thải tại nguồn theo quy định.
Đáng chú ý, theo đại biểu biểu Nguyễn Thị Việt Nga thì mặc dù đã có 2 năm cho công tác chuẩn bị kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, nhưng đến nay khâu chuẩn bị liên quan đến các nội dung trên vẫn chưa được kỹ.
“Hiện tại nhiều người dân, nhiều chủ nguồn thải vẫn chưa hiểu rõ việc phân loại rác thải như thế nào, trả tiền theo lượng rác thải ra sao, sau thu gom sẽ xử lý ra sao, nơi tập kết rác như thế nào. Nhiều địa phương cũng chưa thực sự sẵn sàng cho công tác chuẩn bị,” đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga trăn trở.
Bên cạnh đó, nhiều vướng mắc và nhiều vấn đề nan giải cũng đang được đặt ra như thiếu thiết bị thu gom, thiếu phương tiện vận chuyển chuyên dụng đạt chuẩn, thiếu địa điểm tập kết và thiếu quy định về đơn giá, định mức thu gom, xử lý rác thải.
Sớm đưa môi trường vào chương trình giám sát
Trước thực trạng trên, bà Nga nhấn mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành cần được giám sát tối cao để làm rõ những khó khăn, vướng mắc đồng thời có biện pháp tháo gỡ kịp thời nhất.
“Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025 là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng. Tôi nghĩ nếu không sớm giải quyết sẽ sẽ rất khó thực hiện các quy định đã có hiện nay,” đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga nêu quan điểm.
Có chung quan điểm, thảo luận tại hội trường sáng 30/5, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Thanh Hoàn nhấn mạnh năm 2020, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022; riêng về nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực sớm hơn từ ngày 1/2/2021. Còn các nội dung còn lại đang tiếp tục được triển khai để có thể áp dụng được chậm nhất từ ngày 31/12/2024 như: Quy định phân loại, chuyển giao, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với hộ gia đình, cá nhân.
“Đây là vấn đề được dư luận quan tâm, bởi phản ánh của cử tri cho thấy địa phương nào có khu xử lý rác thải tập trung đều có sự ảnh hưởng nhất định đến tâm tư, nguyện vọng của người dân,” đại biểu Lê Thanh Hoàn nói.
Dẫn chứng cụ thể, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho biết theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có khoảng 1.700 cơ sở xử lý rác thải (bao gồm 470 lò đốt, hơn 1.200 bãi chôn lấp) tăng khoảng 120 bãi so với năm 2019, để xử lý rác thải. Trong đó khoảng 64% lượng rác thải được xử lý chôn lấp, khoảng 20% lượng chất thải xử lý bằng phương pháp đốt (trong đó thu hồi năng lượng chỉ đạt khoảng 9,3%).
“Con số thống kê trên cho thấy việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp còn nhiều và nguy cơ gây hại môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân vẫn còn rất đáng lo,” đại biểu Hoàn chia sẻ và nhấn mạnh để hạn chế tình trạng này thì việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là giải pháp rất quan trọng; đây cũng là đầu vào sạch cho các nhà máy phát điện hiệu quả.
Nhiều nội dung khác cũng đang triển khai theo lộ trình như trách nhiệm về tái chế các sản phẩm do các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu; lộ trình chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường...
"Vì vậy, Quốc hội tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường vào thời điểm này là thể hiện sự đồng hành của Chính phủ trong việc tổ chức thực thi pháp luật, nhằm tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cũng như mỗi người dân về bảo vệ môi trường," đại biểu Lê Thanh Hoàn nêu quan điểm.
Ngoài ra, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh bảo vệ môi trường là chủ trương nhất quán của Đảng. Đó là lấy bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng sống và bảo vệ đa dạng sinh học, sinh thái, xây dựng nền Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.
"Việc này cũng thể hiện quyết tâm với cộng đồng quốc tế khi chúng ta đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050," đại biểu Lê Thanh Hoàn nói thêm./.