Phần lớn giới trẻ Serbia không ủng hộ gia nhập EU và NATO

51% thanh niên Serbia không ủng hộ việc gia nhập Liên minh châu Âu do sự thất vọng với lời hứa của các chính khách và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.
Phần lớn giới trẻ Serbia không ủng hộ gia nhập EU và NATO ảnh 1Một người đàn ông vẫy cờ trong một cuộc biểu tình chống NATO ở trung tâm thành phố Belgrade, ngày 27/3. (Nguồn: AFP)

Kết quả thăm dò dư luận của Viện Nghiên cứu châu Âu tại thủ đô Belgrade của Serbia cho thấy 51% thanh niên nước này không ủng hộ việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như sự thất vọng vào lời hứa của các chính khách và tư tưởng dân tộc chủ nghĩa.

Phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận trên cho biết những người Serbia có tâm lý chán ghét EU đa phần là các thanh niên trong độ tuổi từ 18-29.

Họ mong muốn đất nước mình từ bỏ tiến trình xin gia nhập liên minh này.

Trong khi đó, ở thế hệ lớn tuổi hơn, 2/3 những người trên 30 tuổi, lại ủng hộ việc Serbia trở thành thành viên EU.

Cũng theo kết quả thăm dò nói trên, có tới 82% người dân Serbia phản đối việc nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sự khó khăn của nền kinh tế cũng đặc biệt tác động tới thanh niên, khiến tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ ước tính lên tới 43%.

Hơn nữa, trong những năm gần đây đã xuất hiện một loạt điểm yếu của EU – một liên minh trong thời gian dài từng được người Serbia tôn là "thiên đường."

Tại Serbia, người dân bắt đầu bàn tán về tương lai tan rã của EU.

Cũng có nhiều thanh niên “dị ứng” với EU vì các lý do khác. Chẳng hạn, họ cho rằng quá nhiều “tối hậu thư” được đưa ra gắn với việc Serbia gia nhập EU, trong đó có điều kiện công nhận vùng lãnh thổ Kosovo là quốc gia độc lập, nhưng có tới 80% người dân Serbia phản đối điều này.

Một số người trẻ tuổi khác lại hoài nghi về “kỷ nguyên vàng” sau khi gia nhập EU bởi họ thấy chính các nước thành viên EU cũng đang phải đối mặt với nhiều vấn đề chưa được giải quyết.

Trong khi đó, một số khác không “mặn mà” với EU sau khi đọc được các thông tin về các mặt tiêu cực của liên minh này trên mạng Internet./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.