Phần lớn người dân Hy Lạp vẫn muốn ở lại Eurozone

Phần lớn người dân Hy Lạp (71,4%) muốn nước này ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ 22,4% lựa chọn quay trở lại với đồng Drachma.
Phần lớn người dân Hy Lạp vẫn muốn ở lại Eurozone ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: athensguide.com)

Theo kết quả một cuộc khảo sát ở Hy Lạp công bố ngày 8/2, phần lớn người dân Hy Lạp (71,4%) muốn nước này ở lại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ 22,4% lựa chọn quay trở lại với đồng Drachma.

Cuộc khảo sát được tiến hành trong bối cảnh việc xem xét lần thứ hai về gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp vẫn chưa ngã ngũ, kéo theo kịch bản rất có thể xảy ra đó là việc Hy Lạp rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Grexit. |

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của công ty nghiên cứu Rass, có 47,6% số người được hỏi ủng hộ tiến hành bầu cử trước thời hạn nếu quá trình xem xét lần hai không sớm kết thúc, trong khi 25,7% đề nghị tiến hành trưng cầu ý dân.

Chỉ có 12,3% số ý kiến muốn Hy Lạp tiếp tục áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để sớm kết thúc quá trình xem xét lần hai về việc giải ngân gói cứu trợ thứ 3 cho nước này.

Cũng theo cuộc khảo sát nêu trên, nếu cuộc bầu cử được tiến hành vào thời điểm hiện nay, đảng Dân chủ Mới đối lập sẽ giành chiến thắng với 28,6% số phiếu ủng hộ, đảng SYRIZA về nhì với 16,8%.

Đảng Liên minh Dân chủ xếp ở vị trí thứ ba với 8,1%, tiếp đó là đảng Bình minh Vàng theo đường lối cực hữu được 7,8%.

Dù đã nhận được các gói cứu trợ quốc tế, Hy Lạp vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ từ năm 2010, được cho là nguyên nhân chính khiến đa số người dân nước này ngày càng bất bình và mất niềm tin vào chính phủ.

Nợ công của Hy Lạp hiện vẫn ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 180% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone.

Trước những phản ứng mạnh mẽ từ chính quyền Athens, ngày 8/2, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde tuyên bố những dự báo kinh tế Hy Lạp mà cơ quan này đưa ra "sự thật hoàn toàn."

Phát biểu tại Hội đồng Đại Tây Dương ở thủ đô Washington của Mỹ, Tổng Giám đốc Lagarde khẳng định IMF "hoàn toàn trung thực và thẳng thắn" trong báo cáo của mình.

Theo bà, Athens vẫn chưa đạt được những lợi ích được kỳ vọng để nhanh chóng vực dậy nền kinh tế. Người đứng đầu IMF cũng cho rằng Hy Lạp cần tăng cường tính minh bạch trong các số liệu kinh tế.

Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 7/2, các chuyên gia IMF cho rằng bất chấp nỗ lực bản thân và sự hỗ trợ của các đối tác châu Âu, Hy Lạp vẫn cần các khoản hỗ trợ tài chính bổ sung "để khôi phục tình trạng nợ bền vững."

Tuy nhiên, các gói hỗ trợ này phải đi kèm với việc Athens thực thi chính sách mạnh mẽ. Ban lãnh đạo IMF kêu gọi Hy Lạp tăng tốc độ thực hiện cải cách, đặc biệt là cải thiện thu thuế, để phục hồi đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Báo cáo cũng bảo lưu quan điểm cho rằng mức thặng dư ngân sách 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là khả thi trong khi bất cứ mục tiêu nào cao hơn sẽ tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp đã cam kết với các chủ nợ châu Âu đưa thặng dư ngân sách cơ bản cán mốc 3,5% GDP, một phần trong thỏa thuận cho vay với Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).

Phản ứng sau báo cáo của IMF, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos nhấn mạnh việc IMF cho rằng Athens không thể đạt thặng dư cao hơn mức 1,5% GDP không phải một đánh giá công bằng.

Theo ông, các chuyên gia của IMF đã không dựa vào những dữ liệu mới nhất về tình hình tài khóa cũng như về năng lực của nền kinh tế Hy Lạp khi soạn thảo báo cáo trên. Giới chức Athens tuyên bố IMF đã quá bi quan về triển vọng kinh tế của Hy Lạp.

Từ nhiều tháng nay, IMF và 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) sa lầy vào cuộc tranh cãi về cách thức giúp Hy Lạp thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế và xã hội kéo dài 6 năm qua.

Trong khi các quan chức châu Âu liên tục hối thúc IMF tham gia vào giai đoạn cứu trợ 3 với số tiền 86 tỷ euro (tương đương 92,4 tỷ USD), IMF khẳng định sẽ không mở hầu bao trừ khi Hy Lạp đảm bảo được tính ổn định của các khoản nợ cũng như tính đáng tin cậy của các cải cách tài khóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.