Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày 28/11, tức một ngày trước phiên làm việc của các nhóm chuyên gia trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP21), Pháp đã tổ chức lễ bàn giao quyền quản lý khu trung tâm Hội nghị COP21 tại Le Bourget, nằm ở phía Bắc thủ đô Paris, cho Liên hợp quốc.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius đã trao tượng trưng chìa khóa cho bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Như vậy, trong 14 ngày, kể từ 28/11 đến hết ngày 11/12, khu trung tâm Hội nghị COP21 sẽ được coi như một phần lãnh thổ của Liên hợp quốc trên đất Pháp.
Ngay sau lễ bàn giao, Bộ trưởng Laurent Fabius và bà Christiana Figueres đã cùng đi thăm quan những khu vực chính dành cho hội nghị COP21 nằm trong khuôn viên khu Le Bourget có tổng diện tích lên đến 18ha.
Phát biểu tại buổi họp báo chung, Bộ trưởng Laurent Fabius đã bày tỏ niềm vinh dự khi Pháp là nước chủ nhà của hội nghị COP21, một hội nghị có tính chất bước ngoặt nhằm thúc đẩy thảo luận để xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới gọi là thỏa thuận Paris 2015.
Ông cũng điểm lại những nỗ lực của Pháp trong công tác chuẩn bị mà cụ thể là tổ chức, sắp xếp, quy hoạch lại khu triển lãm Le Bourget với Trung tâm hội nghị - nơi diễn ra phiên khai mạc chính thức với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia, hơn 40 phòng họp, phòng trưng bày các giải pháp ứng phó sao cho phù hợp với yêu cầu của một hội nghị quốc tế lớn.
Theo ông, Pháp đã làm mọi điều có thể để tạo thuận lợi cho quá trình thảo luận, thương thuyết, sao cho các nước tham dự hội nghị đều cảm nhận được các ý kiến và đề xuất của họ đã được lắng và họ đang thực sự đóng góp vào quá trình kiểm soát khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn cầu.
Ngoại trưởng Pháp cũng cho biết toàn bộ quá trình quy hoạch, sắp xếp, xây dựng các tòa nhà chức năng trong khu vực đều được thực hiện trên cơ sở tôn trọng các quy định về môi trường và tái chế vật liệu.
Pháp muốn giới thiệu mô hình này thông qua việc đưa vào vận hành và sử dụng các công trình tại Le Bourget để các nước nghiên cứu và triển khai như là một biện pháp giảm ô nhiễm, góp phần làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu.
Theo ông Fabius, Tổng thống Pháp François Hollande cũng rất quan tâm đến vấn đề khí hậu và đã tiến hành nhiều cuộc vận động ngoại giao để huy động thêm đóng góp của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Cá nhân Ngoại trưởng Pháp trong 18 tháng đã có hơn 100 chuyến công du ra nước ngoài với khoảng 400 cuộc gặp song phương nhằm thuyết phục lãnh đạo các nước đưa ra mục tiêu và cam kết về chống biến đổi khí hậu.
Đó là chưa kể đến khoảng 1.000 sự kiện được các Đại sứ quán của Pháp ở các nước trên toàn thế giới tổ chức trong một năm qua nhằm nâng cao nhận thức từ các nhà hoạch định chính sách tới người dân về sự cần thiết phải có hành động cụ thể để giữ nhiệt độ Trái Đất từ nay đến 2100 tăng không quá 2 độ C so với thời kỳ trước cách mạng công nghiệp.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng sau 12 ngày thảo luận, các bên tham dự sẽ thể hiện sự chia sẻ các quan điểm và nhận thức cũng như tinh thần trách nhiệm nhằm tìm ra những giải pháp để cứu Trái Đất khỏi những tác động tiêu cực của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Các bên cũng sẽ vượt qua bất đồng, tiến tới ký kết Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững cho nhân loại./.