Pháp chuẩn bị cho khả năng không có thỏa thuận giữa Anh và EU

Pháp đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là không có bất cứ thỏa thuận nào giữa Anh và EU về vấn đề Brexit, theo đó Pháp sẽ kiểm soát hải quan, kiểm tra thú y và kiểm tra tại các cảng.
Pháp chuẩn bị cho khả năng không có thỏa thuận giữa Anh và EU ảnh 1Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/11, phát biểu trên kênh truyền hình CNews, Bộ trưởng Giao thông Pháp Elisabeth Borne cho biết Pháp đang chuẩn bị nhiều biện pháp khác nhau, đặc biệt là các biện pháp kiểm soát hải quan và kiểm tra tại cảng, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận nào khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Bà Borne khẳng định Pháp đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là không có bất cứ thỏa thuận nào giữa Anh và EU về vấn đề Brexit, theo đó Pháp sẽ kiểm soát hải quan, kiểm tra thú y và kiểm tra tại các cảng.

Trước đó, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cảnh báo bất chấp đạt được dự thảo thỏa thuận giữa Anh và EU, triển vọng Anh rời EU mà không có bất cứ thỏa thuận nào vẫn có thể xảy ra.

Hồi tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Công vụ và Hành chính công của Pháp Gerald Darmanin, người phụ trách hải quan, cho biết nước này đã thuê thêm 700 nhân viên hải quan bổ sung và các phương tiện tăng cường kiểm soát biên giới nhằm chuẩn bị cho trường hợp Anh không đạt được thoả thuận nào trong các cuộc đàm phán rời EU.

[EU ấn định tổ chức hội nghị thượng đỉnh về Brexit vào ngày 25/11]

Sau khi nhận được sự ủng hộ của Nội các Anh, bản dự thảo thỏa thuận Brexit cần được Quốc hội nước này thông qua, song đây được dự báo là một tiến trình đặc biệt khó khăn.

Hiện có 40 khoảng nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền sẵn sàng bỏ phiếu chống bản dự thảo thỏa thuận trên. Để thông qua được thỏa thuận, Thủ tướng May cần được sự ủng hộ của ít nhất 320 trong số 650 nghị sỹ tại Hạ viện. Một số thành viên nội các Anh đã từ chức để phản đối kế hoạch Brexit mà Thủ tướng Anh đưa ra.

Thậm chí, nghị sỹ hàng đầu của đảng Bảo thủ Jacob Rees Mogg đã đề nghị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Anh Theresa May./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.