Chiều 25/3, Trung tâm phân tích và điều tra an toàn hàng không dân sự của Pháp (BEA) có trụ sở tại Bourget, cách thủ đô Paris khoảng 30km về phía Bắc, đã tổ chức họp báo và công bố kết quả khai thác ban đầu của hộp đen máy bay A320-211 của hãng hàng không Germanwings bị rơi ngày 24/3 tại vùng núi Alps.
Ông Rémi Jouty, Giám đốc BEA, Trung tâm cho biết đã lấy được một phần dữ liệu từ hộp đen trong đó có phần ghi âm lời nói và âm thanh trong buồng lái và theo ông, những dữ liệu này là "có thể sử dụng được" mặc dù hộp đen bị hư hại nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Rémi Jouty không cho biết các thông tin cụ thể cũng như thời điểm nào thì có thể công bố các kết quả khai thác chi tiết thông tin từ hộp đen máy bay.
"Tại thời điểm hiện nay, chúng tôi không thể nói thêm cũng như giải thích vì sao máy bay lại giảm độ cao và lao xuống, cũng như vì sao Đài kiểm soát không lưu đã không thể liên lạc được với máy bay," ông nói.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc chuyến bay bị nạn vào hồi 11 giờ 15 phút ngày 24/3, BEA đã thành lập Ủy ban điều tra hoạt động trên cơ sở có sự phối hợp với các đối tác của Đức (BFU) và Tây Ban Nha (CIAIAC).
Ngay lập tức, 7 điều tra viên đã được gửi tới hiện trường nơi máy bay rơi. Một hộp đen của máy bay đã được tìm thấy tại hiện trường lúc 17 giờ cùng ngày do nó phát ra tín hiệu. Hộp đen đã được chuyển tới Trung tâm BEA ở Bourget lúc 9 giờ 45 phút ngày 25/3.
Trung tâm đã khẩn trương tiến hành các bước khai thác hộp đen máy bay và bước đầu đã lấy được một phần kết quả ghi âm trong buồng lái máy bay và BEA vẫn đang nỗ lực để có thể có thêm thông tin.
“Mặc dù vậy, cho đến nay, các nhà điều tra vẫn chưa đưa ra một giả thuyết nào về nguyên nhân tai nạn”, ông nhấn mạnh.
Vẫn theo thông tin của BEA công bố tại cuộc họp báo thì vào khoảng 10 giờ 30 phút giờ địa phương ngày 24/3, máy bay có chuyển tín hiệu với không lưu mặt đất của Pháp trong khi đài kiểm soát không lưu nhận thấy máy bay đang giảm dần độ cao nhưng đài kiểm soát không lưu không thể liên lạc với máy bay qua radio. Sau đó, máy bay tiếp tục giảm độ cao và đâm vào sườn núi đá.
Mỗi máy bay dân dụng chở khách được trang bị hai hộp đen. Chiếc được tìm thấy ngày 24/3 là thiết bị thu âm trong khoang lái, có chức năng ghi lại âm thanh hai giờ cuối cùng trong máy bay, bao gồm trao đổi giữa các phi công cũng như thông báo mà phi hành đoàn nghe được.
Hộp đen thứ nhất đã được tìm thấy vì vào thời điểm đó nó vẫn tiếp tục phát tín hiệu. Vỏ của chiếc hộp đen thứ hai cũng đã được tìm thấy nhưng vẫn chưa tìm thấy chip điện tử ghi dữ liệu.
Để khai thác dữ liệu, hộp đen được đưa vào phân tích trong một phòng thí nghiệm chuyên dụng. Trước hết, các chuyên gia sẽ phải tháo các bộ phận để tiếp cận các chíp điện tử đặt bên trong. Đây là giai đoạn hết sức tỉ mỉ để không ảnh hưởng đến dữ liệu.
Sau đó, những chi tiết này sẽ được đưa vào đầu đọc đặc biệt và giải mã. Bước này mới chỉ thu được những tín hiệu thô. Sau đó, các dữ liệu được phân tích bởi một nhóm chuyên gia, bao gồm ít nhất một người của Trung tâm điều tra và phân tích an toàn hàng không phụ trách vụ việc, một đại diện của hãng hàng không và một của nhà sản xuất máy bay là tập đoàn Airbus.
Thời gian phân tích và giải mã hộp đen có thể kéo dài tùy theo tình trạng của chiếc hộp đen, nhanh nhất là 48 giờ, thậm chí hàng tuần. Trong trường hợp vụ tai nạn ngày 24/3, hộp đen của máy bay thu được đã bị hư hỏng, do đó nhiều khả năng quá trình phân tích sẽ kéo dài hơn.
Việc thu được các cuộc trao đổi trong khoang lái giữa phi hành đoàn có thể sẽ giúp giải thích vì sao chiếc máy bay A320-211 đột ngột mất độ cao, cũng như tại sao phi hành đoàn đột ngột mất liên lạc với kiểm soát không lưu vào thời điểm nó đang bay trên rặng núi Alps trên hành trình quen thuộc từ thành phố Barcelona đến Dusseldorf, tại sao phi hành đoàn không liên lạc với mặt đất trong thời gian 8 phút trước khi bi kịch diễn ra.
Thông thường, nếu khai thác và giải mã được hộp đen máy bay, người ta có thể làm sáng tỏ khoảng 90% nguyên nhân tai nạn./.