Ngày 29/3, cựu Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố ông sẽ không ủng hộ ứng cử viên đảng Xã hội Benoît Hamon, mà sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron tại vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra tháng tới.
Trả lời phỏng vấn đài phát thanh RMC và kênh truyền hình BFMTV, giải thích về quyết định trên, cựu Thủ tướng Pháp M. Valls cho rằng đây không phải là sự ủng hộ cho ứng cử viên này mà là "sự lựa chọn của lý trí," vì ông muốn tránh nguy cơ đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Ông cũng cho biết luôn tự xác định mình là thành viên của "cánh tả theo quan điểm tiến bộ và xã hội-dân chủ," vì vậy ông không đồng quan điểm với ứng cử viên Benoît Hamon về mô hình phát triển kinh tế và xã hội và trên thực tế, quan điểm của ứng cử viên này đang khiến đảng Xã hội (PS) cầm quyền đứng trước nguy cơ thất bại tại cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Trước những chỉ trích cho rằng ông đã không giữ đúng lời hứa khi tham gia tranh cử vòng sơ bộ cánh tả được tổ chức vào tháng 1 vừa qua - vòng tranh cử khiến ông bị thua trước ứng cử viên Benoît Hamon, cựu Thủ tướng M. Valls cho biết ông đặt lợi ích quốc gia lên trên các quy định của đảng phái.
Đây là điều khiến ông bỏ phiếu cho ứng cử viên Macron và việc ông Macron ra tranh cử cho phép "đổi mới đời sống chính trị" của nước Pháp đồng thời tạo cơ hội cho phe của những người mang quan điểm tiến bộ chiến thắng.
Động thái này sẽ mang đến nhiều lợi thế hơn cho chiến dịch vận động tranh cử của cựu Bộ trưởng Kinh tế Macron, người đã từ bỏ đảng Xã hội của cựu Thủ tướng Valls để thành lập phong trào chính trị mới mang tên En marche (Tiến lên), một phong trào không thuộc cánh tả cũng không thuộc cánh hữu.
Trước đó, 2 nhà lãnh đạo trong Chính phủ của đương kim Tổng thống Francois Hollande là bộ trưởng Quốc phòng và bộ trưởng Sinh thái cũng đã công khai ủng hộ ứng cử viên Macron.
Ứng cử viên trung dung đã ngay lập tức cám ơn cựu Thủ tướng Valls, đồng thời nhấn mạnh rằng ông muốn đổi mới nền chính trị Pháp.
Theo thăm dò dư luận mới đây, cư tri Pháp đang cảm thấy "chán nản" với giới lãnh đạo chính trị hiện nay. Trong khi đó, các ứng cử viên tả-hữu truyền thống hiện đang cảm thấy quan ngại trước ứng viên trẻ tuổi M. Macron - một đại diện mới trong nền chính trị Pháp, cũng như Chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc (FN) - bà Marine Le Pen.
Theo kết quả các cuộc thăm dò, ông Macron và bà Le Pen hiện vẫn là hai ứng cử viên sáng giá sẽ đối đầu tại vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cho cánh hữu và đảng Những người Cộng hòa (LR) vẫn tiếp tục đối mặt với những cáo buộc liên quan tới vấn đề minh bạch tài chính kể từ sau vụ "Penelopegate," liên quan đến việc ông Fillon bị cáo buộc lạm dụng công quỹ trong chi trả tiền lương lên đến hàng trăm nghìn euro cho vợ và các con làm những công việc "không có thực" trong quốc hội, khiến uy tín của ứng cử viên này sụt giảm nghiêm trọng.
Giới phân tích hiện vẫn thận trọng trong đưa ra các dự đoán về kết quả bầu cử tổng thống Pháp trước những diễn biến "gây sốc" trong nền chính trị tại Anh và Mỹ./.