Pháp đang lúng túng vì mắc kẹt giữa Qatar và Saudi Arabia

Pháp đang lúng túng vì khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và nhiều nước trong vùng Vịnh bởi cả Saudi Arabia và Qatar đều là những đối tác kinh tế quan trọng của Pháp.
Pháp đang lúng túng vì mắc kẹt giữa Qatar và Saudi Arabia ảnh 1Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp trong một buổi trình diễn bay ở căn cứ Không quân Subang, Malaysia ngày 28/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo đài RFI, Paris đang lúng túng vì khủng hoảng ngoại giao giữa Doha và nhiều nước trong vùng Vịnh bởi cả Saudi Arabia và Qatar đều là những đối tác kinh tế quan trọng của Pháp.

Theo nghiên cứu công bố hồi tháng 3/2016 của Viện Nghiên cứu Quan hệ Chiến lược (IRIS), trong thời gian ngắn kỷ lục, Qatar trở thành một đối tác "không thể thiếu" của các nhà sản xuất ở Pháp.

[Pháp ký bản ghi nhớ bán 24 máy bay chiến đấu Rafale cho Qatar]

Các hãng lớn của Pháp từ ngành xây dựng đến dầu khí, từ công nghệ cao đến khu vực sản xuất trang thiết bị quân sự, đều nhắm tới thị trường Qatar, nhưng Saudi Arabia mới là đối tác thương mại quan trọng nhất của Pháp trong vùng Vịnh.

Phó Giám đốc Viện nghiên cứu IREMMO của Pháp, bà Agnès Levallois nhận định rằng trong cán cân thương mại của Pháp, Saudi Arabia nặng gấp 100 lần so với Qatar.

Khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và Saudi Arabia đặt Pháp trong thế khó xử, khi biết rằng Riyad là khách hàng lớn vào bậc nhất của ngành công nghiệp chế tạo vũ khí "made in France."

Ông Vincent Jauvert, chuyên gia về vùng Vịnh của tuần báo L’Obs (Pháp) nhấn mạnh rằng không có Saudi Arabia thì Liban và Ai Cập không thể ký hợp đồng hàng tỷ USD mua vũ khí của Pháp.

Chuyên gia này nói: "Saudi Arabia không thanh toán trực tiếp, nhưng đã cấp tín dụng, một khoản tiền rất lớn cho chính quyền của Tướng al Sissi ở Cairo để Ai Cập mua chiến đấu cơ Rafale và tàu đa năng Mistral của Pháp. Ai Cập là quốc gia đầu tiên, nhờ có vốn của Riyad, đã mua chiến đấu cơ Rafale và mua luôn hai chiếc Mistral vào lúc mà Paris không biết xử lý thế nào sau khi đã không bán được cho Nga. Đâu đó, Saudi Arabia đã cứu ngành công nghiệp sản xuất vũ khí của Pháp."

Tuy nhiên theo nhà báo Jean Guisnel, chuyên theo dõi hồ sơ quốc phòng trên nhật báo Le Point, trên thị trường vũ khí, Pháp không thể cạnh tranh với Mỹ để tranh thủ hợp đồng của Saudi Arabia.

Nhà báo Jean Guisnel nói: "Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, Saudi Arabia chỉ độc quyền mua chiến đấu cơ của Mỹ. Thế nhưng, trong thời gian gần đây, Riyad 'chiếu cố' đến các loại trang thiết bị quân sự của Pháp cho bộ binh, hải quân. Mới đây Pháp đang mở rộng địa bàn đến lĩnh vực trang thiết bị theo dõi không gian."

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Agnès Levallois, Viện IREMMO, trong cuộc đọ sức về phương diện ngoại giao giữa Saudi Arabia và Qatar, tốt hơn hết là Paris nên giữ thế trung lập vì nhiều lý do. Trước hết, trong ngắn hạn, khủng hoảng nói trên ít ảnh hưởng đến quyền lợi kinh tế của Pháp với Qatar và kể cả với Saudi Arabia. Hơn nữa, cả về mặt kinh tế lẫn chiến lược, ảnh hưởng của Paris với Riyad không thể sánh bằng so với Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ phức tạp hơn nhiều nếu như Saudi Arabia dùng lá bài hợp tác và thương mại để gây sức ép với các đối tác kinh tế hòng "siết chặt vòng vây xung quanh Qatar"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.