Pháp điều tra về vụ rò rỉ dữ liệu tàu ngầm Scorpene

Báo chí Pháp cho rằng DCNS là "nạn nhân" trong vụ rò rỉ thông tin tàu ngầm Scorpene và vụ việc hết sức bất lợi cho DCNS trong nỗ lực để giành hợp đồng đóng tàu ngầm cho Ba Lan và Na Uy.
Pháp điều tra về vụ rò rỉ dữ liệu tàu ngầm Scorpene ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: ndtv.com)

Ngày 24/8, báo chí Pháp đồng loạt dẫn lại thông tin trên tờ "The Australian" của Australia cho biết 22.400 trang tài liệu, với các chi tiết về khả năng tác chiến của tàu ngầm Scorpene của tập đoàn DCNS - tập đoàn công nghiệp quốc phòng nổi tiếng của Pháp, thiết kế cho Hải quân Ấn Độ, đồng thời cũng được Malaysia, Brazil và Chile đặt mua, đã bị tiết lộ.

Vụ việc đã khiến cơ quan an ninh Pháp khẩn trương vào cuộc, tiến hành điều tra sâu rộng nhằm xác định bản chất chính xác các tài liệu đã rò rỉ, nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

Tuy nhiên, vụ việc cũng khiến báo chí Pháp đặt câu hỏi: Liệu đây có đúng là vụ tiết lộ bí mật quốc phòng nghiêm trọng làm nguy hại đến an ninh quốc gia hay đơn giản chỉ là một đòn thương mại nhằm hạ thấp uy tín của đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng.

Báo chí Pháp cho rằng tập đoàn DCNS là "nạn nhân" trong vụ rò rỉ hàng loạt thông tin bí mật này và vụ việc hết sức bất lợi cho DCNS khi tập đoàn này đang nỗ lực để giành được các hợp đồng đóng tàu ngầm cho Ba Lan và Na Uy.

Trước đó cùng ngày, trên địa chỉ trang web của mình, tờ "The Australian" đã công bố nhiều đoạn trích trong số 22.400 trang tài liệu tuyệt mật thu thập được.

Ba văn bản được tờ "The Australian" đăng trên mạng thuộc loại nhạy cảm và liên quan đến giai đoạn 2010-2011.

Các tài liệu này gồm các thông tin chiến lược như sách hướng dẫn kỹ thuật, mô hình ăng-ten cho tàu ngầm, thiết bị thăm dò, hệ thống thông tin, hệ thống hoa tiêu. Ngoài ra, 500 trang được dành riêng để nói về hệ thống phóng ngư lôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.