Pháp dỡ bỏ khu trại tạm của người nhập cư trái phép tại Calais

Hoạt động dỡ bỏ khu lều trại tạm bợ của người nhập cư trái phép tại khu vực ngoại ô thành phố cảng Calais, vốn được gọi là trại "Jungle," sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới.
Pháp dỡ bỏ khu trại tạm của người nhập cư trái phép tại Calais ảnh 1Người nhập cư tại khu vực cảng Calais, miền bắc Pháp ngày 3/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, chính quyền tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp cho biết hoạt động dỡ bỏ khu lều trại tạm bợ của người nhập cư trái phép tại khu vực ngoại ô thành phố cảng Calais, vốn được gọi là trại "Jungle," sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 tới.

Theo nguồn tin trên, “thành phố” lều trại nhỏ ước tính rộng 100m sẽ được dỡ bỏ với cách thức nhân đạo nhất, dưới sự hỗ trợ của nhân viên các tổ chức xã hội.

Chính quyền thành phố nêu rõ nếu người tị nạn tự nguyện, lực lượng cảnh sát sẽ không phải tham gia công tác dỡ bỏ.

Dự kiến, người tị nạn tại đây sẽ được chuyển tới khu nhà tạm hoặc các trung tâm tị nạn khác trên lãnh thổ Pháp.

Chính phủ Pháp đã quyết định dỡ bỏ khu lều trại ổ chuột được cho là lớn nhất nước này, nơi theo ước tính có khoảng 3.700 người tị nạn và nhập cư tá túc để chờ cơ hội tới Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những chiếc thuyền tự làm, hoặc qua tuyến đường hầm Eurotunnel.

Thành phố cảng Calais của Pháp thời gian qua thực sự quá tải khi phải tiếp nhận khoảng 6.000 người tị nạn từ các nước châu Phi và châu Á đổ về để tìm cách vào Anh.

Tình trạng lộn xộn liên quan tới dòng người này khiến chính quyền thành phố phải huy động cảnh sát ra tay lập lại trật tự.

Liên quan đến chính sách hạn chế tiếp nhận người tị nạn mới của Áo, Bộ Nội vụ Đức cho rằng việc Vienna áp đặt quy định chỉ tiếp nhận tối đa 80 người tị nạn/ngày trong khi lại cho hàng nghìn người khác quá cảnh để tới các quốc gia khác là “quyết định sai lầm” và “không thể chấp nhận được.”

Berlin quan ngại rằng nhiều người di cư đang hướng thẳng đến Đức, nơi mà căng thẳng đang gia tăng sau khi nước này đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn trong năm ngoái, gây sức ép đến chính sách mở cửa đối với người di cư của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bất chấp những chỉ trích từ Liên minh châu Âu (EU), ngày 19/2, Áo đã chính thức áp đặt quy định chỉ tiếp nhận tối đa 80 người tị nạn/ngày.

Ngoài ra, quốc gia này cũng hạn chế số người di cư đi qua lãnh thổ để tới các quốc gia láng giềng tìm kiếm tị nạn ở mức 3.200 người nhập cư/ngày.

Năm ngoái, Áo đã tiếp nhận 90.000 người tị nạn, khiến nước này trở thành một trong những quốc gia tiếp nhận số người tị nạn cao nhất EU và quốc gia này chỉ muốn tiếp nhận 37.500 đơn xin tị nạn trong năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.