Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Bộ trưởng Môi trường Pháp Nicolas Hulot đã hoan nghênh phán quyết ngày 10/8 của tòa án bang California đối với Monsanto, công ty hóa chất nông nghiệp ở Mỹ, vì đã không thông báo cho người tiêu dùng mức độ nguy hiểm của sản phẩm thuốc diệt cỏ.
Theo Bộ trưởng Hulot, phán quyết của tòa án bang California là sự khởi đầu của cuộc đấu tranh vì nông dân. Ông đánh giá vụ việc này là "trường hợp điển hình về nguyên tắc phòng ngừa". Ông nhấn mạnh không nên chờ đợi "bằng chứng tuyệt đối" về mức độ nguy hiểm của các sản phẩm trừ sâu diệt cỏ, bởi vì trong khi chờ đợi, các chất độc đã có đủ thời gian tác động lên các nạn nhân.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Hulot kêu gọi các thượng nghị sỹ Pháp phải lập tức phản ứng mà không nên trông đợi "một danh sách tử vong bi thảm." Mới đây, Thượng viện Pháp đã loại bỏ một điều khoản của dự luật về nông nghiệp và thực phẩm, liên quan đến quy định phải tách riêng việc bán hàng và việc tư vấn sử dụng thuốc trừ sâu diệt cỏ.
Phán quyết của tòa án bang California cũng nhận được sự hoan nghênh của các hiệp hội môi trường Pháp. Theo người phát ngôn của Công đoàn nông dân Laurent Pinatel, phán quyết này là một bằng chứng nữa cho thấy thuốc trừ sâu gây hại cho sức khỏe, trước tiên đối với những người nông dân và sau đó đến những người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp.
Ông nhấn mạnh điều quan trọng là phải tìm cách để thoát khỏi sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu, điều này đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật để nghiên cứu và đưa vào áp dụng trong thực tế.
Trong khi đó, bà Suzanne Dalle của tổ chức Hòa bình xanh Pháp tuyên bố rằng công lý đã được thực hiện và cần phải tiếp tục đấu tranh để thuốc diệt cỏ bị cấm tại Pháp và châu Âu.
Ông Paul Francois, gương mặt nổi bật trong trận chiến của Pháp chống lại Monsanto, cũng hoan nghênh phán quyết của tòa án California "với niềm vui lớn lao." Là chủ tịch của Hiệp hội nạn nhân thuốc diệt cỏ và là tác giả của cuốn sách "Một người nông dân chống lại Monsanto," ông Paul François đã bị nhiễm độc vào năm 2004 do hít phải hơi thuốc Lasso, một sản phẩm thuốc diệt cỏ của Monsanto, khi ông chăm sóc ruộng ngô của gia đình.
Sau nhiều năm tố tụng, tháng 5/2015, Monsanto đã bị Tòa án cấp phúc thẩm Lyon kết án phải chịu trách nhiệm về sự nhiễm độc của ông Paul François. Nhưng quyết định này đã bị Tòa án giám đốc thẩm hủy bỏ vào năm 2017. Vụ án sẽ được tranh luận lại vào tháng 2/2019.
Theo ông Paul François, phán quyết của tòa án Mỹ sẽ không tạo ra tiền lệ ở Pháp, nhưng các luật sư có thể sử dụng nó trong lập luận của họ.
Ngày 10/8, bồi thẩm đoàn tại bang California của Mỹ đã ra phán quyết yêu cầu công ty hóa học Monsanto phải bồi thường 289 triệu USD vì đã không cảnh báo với ông Dewayne Johnson - một người chăm sóc sân vườn - rằng sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của công ty này có thể gây ung thư./.