Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Harlem Desir, ngày 6/7 lên tiếng hối thúc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nhanh chóng đưa ra quyết định rõ ràng, sau khi kết quả cuộc trưng cầu ý dân cho thấy đa số người dân Hy Lạp nói “Không” với kế hoạch khắc khổ của các chủ nợ quốc tế.
Ông Basir cũng cho rằng kết quả cuộc trưng cầu không phản ánh mong muốn ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) của Hy Lạp.
Trong khi đó, sáng 6/7, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Gianis Varoufakis đã thông báo từ chức.
Trên trang Tweet cá nhân của mình, ông Varoufakis viết sẽ không còn làm Bộ trưởng nữa.
Theo ông, sau khi kết quả cuộc trưng cầu được công bố, ông ý thức được rằng một số thành viên trong nhóm các nước sử dụng đồng tiền chung euro không muốn có ông trong các cuộc họp của nhóm nữa. Do vậy, để không làm yếu thế Thủ tướng Alexis Tsipras, ông đã quyết định rời Bộ Tài chính Hy Lạp từ hôm nay (6/7).
Quyết định này của ông Varoufakis được đưa ra khá bất ngờ, bởi trước đó ông cảnh báo có thể từ chức nếu người dân Hy Lạp ủng hộ kế hoạch cải cách và khắc khổ của các chủ nợ quốc tế.
Phản ứng về kết quả cuộc trưng cầu ở Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, Chủ tịch nhóm Bộ trưởng Tài chính các nước Eurozone, đã bày tỏ lấy làm tiếc cho tương lai Hy Lạp.
Ông cho rằng để phục hồi kinh tế Hy Lạp thì việc cần có những biện pháp cứng rắn cũng như cải cách ở nước này là điều khó tránh khỏi. Theo ông, các đối tác Eurozone sẽ chờ đợi các sáng kiến mới của giới chức Hy Lạp.
Trong ngày 6/7, giới chức tài chính Eurozone sẽ thảo luận về kết quả cuộc trưng cầu tại Hy Lạp ở cấp thứ trưởng hay Quốc vụ khanh, trong khi cùng ngày lãnh đạo các thể chế tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) cũng sẽ thảo luận về vấn đề Hy Lạp.
Trước khi Eurozone họp thượng đỉnh tối 7/7 ở Brussels, các bộ trưởng tài chính khu vực sẽ họp bàn về khủng hoảng Hy Lạp./.