Bộ Ngoại giao Pháp ngày 16/6 cho rằng các bên liên quan cần phải hành động nhanh chóng trong tiến trình đàm phán nhằm mục đích đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo bộ trên, “những bất đồng lớn vẫn tiếp tục tồn tại” khi các đại diện của Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Iran gặp nhau ở Vienna nhằm tìm kiếm một bước đột phá đối với tình trạng hiện nay.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pháp nêu rõ: “Tiến trình đàm phán đang trở nên khó khăn hơn khi tập trung vào những vấn đề hóc búa hơn. Những bất đồng lớn vẫn tiếp tục tồn tại…
Tình trạng này khiến những quyết định dũng cảm trở nên cần thiết và những quyết định như vậy sẽ phải được đưa ra một cách nhanh chóng, bởi chúng tôi đều chia sẻ quan điểm rằng không một bên nào hiện có lợi thế về mặt thời gian.”
[IAEA: Việc hồi sinh JCPOA phải đợi chính phủ mới của Iran]
Cùng ngày, các nước Arab Vùng Vịnh tuyên bố việc tách rời thỏa thuận hạt nhân mà các cường quốc thế giới ký với Iran ra khỏi chương trình tên lửa của Tehran là điều nguy hiểm, đồng thời khẳng định các nước Vùng Vịnh sẵn sàng tham gia vào tiến trình đối thoại với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp tại thủ đô Riyadh, Ngoại trưởng các nước Arab vùng Vịnh đã hối thúc các cường quốc thế giới đảm bảo một thỏa thuận hạt nhân với những quy định hạn chế lớn hơn và thời hạn dài hơn, đồng thời liên kết thỏa thuận này với những biện pháp thiết thực để xây dựng lòng tin nhằm ngăn chặn chạy đua vũ trang và xung đột trong khu vực.
Những động thái trên được đưa ra trong thời điểm vòng đàm phán thứ 6 đã được nối lại.
Trước đó, các cuộc đàm phán diễn ra tại Vienna của Ủy ban chung giám sát JCPOA, khởi động từ tháng 4 vừa qua, với sự tham gia của Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức và Liên minh châu Âu (EU), nhằm làm cầu nối giữa Tehran và Washington để đưa cả hai nước trở lại tuân thủ thỏa thuận.
JCPOA quy định Iran làm giàu urani ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran hồi năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận./.