Pháp kêu gọi EU lập quỹ hỗ trợ các hoạt động quân sự

Pháp đang thúc giục các đối tác châu Âu lập quỹ hỗ trợ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, giống như hoạt động mà Pháp đang đứng đầu tại Trung Phi.
Pháp kêu gọi EU lập quỹ hỗ trợ các hoạt động quân sự ảnh 1Quân đội Pháp ở Mali. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Pháp đang thúc giục các đối tác châu Âu lập quỹ hỗ trợ cho các hoạt động quân sự ở nước ngoài, giống như hoạt động mà Pháp đang đứng đầu tại Cộng hòa Trung Phi hiện nay.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi thành lập một quỹ thường xuyên của châu Âu để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự khẩn cấp ở nước ngoài, trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được triển khai. Dự kiến, ông Hollande sẽ đưa ý tưởng này ra trong Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU), sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20/12 tại Bỉ.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia châu Âu không mấy mặn mà với lời kêu gọi này của Pháp. Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại, bà Catherine Ashton cho rằng việc thành lập quỹ trên phụ thuộc vào quyết định về cách thức sử dụng nguồn lực của 28 thành viên EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận. Trong khi đó, người phát ngôn của Phái bộ Ba Lan tại EU Artur Habant khẳng định Ba Lan ủng hộ nguyên tắc điều phối các nỗ lực trong tình huống khủng hoảng, nhưng Warsaw muốn biết chi tiết đề xuất của Pháp và phản ứng của các nước EU khác.

Pháp cũng đang nỗ lực thuyết phục các nước châu Âu trợ giúp cho hoạt động của mình ở Cộng hòa Trung Phi - nguyên là thuộc địa của Pháp. Ngày 17/12, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố một số nước châu Âu sẽ gửi quân để trợ giúp cho sứ mệnh Pháp-châu Phi nhằm khôi phục trật tự ở Cộng hòa Trung Phi, trong bối cảnh bạo lực tiếp tục leo thang bên ngoài thủ đô Bangui.

Hiện Ba Lan, Anh, Đức, Tây Ban Nha và Bỉ đã có một số trợ giúp cho hoạt động này, nhưng chỉ Pháp mới có quân đội ở Cộng hòa Trung Phi. Pháp đã triển khai 1.600 quân để khôi phục an ninh tại Cộng hòa Trung Phi, vốn rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng 3 vừa qua.

Theo các nhà ngoại giao, có thể Bỉ và Ba Lan sẽ gửi quân để hỗ trợ quân đội Pháp, hiện đang bảo vệ một sân bay ở Bangui. Ngoại trưởng Ba Lan Donald Tusk tuyên bố, Ba Lan sẵn sàng hỗ trợ có giới hạn về hàng không cho Cộng hòa Trung Phi, trong đó có việc gửi máy bay vận tải và một nhóm binh sĩ để bảo vệ máy bay này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ khẳng định Bỉ đã cử máy bay chiến thuật với 35 binh sĩ hỗ trợ để trợ giúp hậu cần cho Cộng hòa Trung Phi trong hai tháng.

Liên quan đến Cộng hòa Trung Phi, tuy tình hình ở thủ đô Bangui đã trở lại bình thường, nhưng các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn ở Bossangoa, cách Bangui vài trăm km về phía Bắc.

Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), khoảng 210.000 người đã phải chạy khỏi thủ đô Bangui trong 2 tuần diễn ra bạo lực ở đây, hàng trăm người đã phải mạo hiểm mạng sống để vượt qua nhánh sông Congo khi tìm cách rời khỏi Cộng hòa Trung Phi. Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc cảnh báo khoảng 1/4 trong tổng số 5,2 triệu dân Cộng hòa Trung Phi có thể rơi vào cảnh đói ăn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.