Pháp kêu gọi người dân bình tĩnh sau các vụ bạo động liên tiếp

Nhiều cuộc biểu tình đã liên tiếp nổ ra tại nhiều nơi trên nước Pháp để ủng hộ thanh niên da màu bị chấn thương nghiêm trọng sau khi bị cảnh sát bắt giam 1 tuần trước đó.
Pháp kêu gọi người dân bình tĩnh sau các vụ bạo động liên tiếp ảnh 1Cảnh sát Pháp triển khai để ngăn chặn những người biểu tình quá khích tại Marseille ngày 10/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau các vụ bạo động liên tiếp nổ ra trong những ngày qua ở vùng ngoại ô Paris, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Le Roux ngày 13/2 đã lên án "mọi hình thức bạo lực," đồng thời kêu gọi người dân "hết sức giữ bình tĩnh."

Nhiều cuộc biểu tình đã liên tiếp nổ ra tại nhiều nơi trên nước Pháp để ủng hộ Théo - một thanh niên da màu 22 tuổi, đã bị chấn thương nghiêm trọng và buộc phải phẫu thuật sau khi bị cảnh sát bắt giam 1 tuần trước đó tại Aulnay-sous-Bois.

Một cảnh sát bị cáo buộc tấn công tình dục và ba cảnh sát khác bị cáo buộc hành hung tập thể thanh niên này.

Sau khi xảy ra vụ việc, cả bốn cảnh sát này đều bị đình chỉ công tác.

Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ Théo vô cùng phẫn nộ, tiến hành biểu tình và các vụ bạo động liên tiếp nổ ra sau đó.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Le Roux cam kết với người biểu tình rằng công lý sẽ được thực thi, song đồng thời tuyên bố chính quyền sẽ không dung thứ cho bất kỳ kẻ nào lợi dụng tình hình để đập phá, hôi của hoặc kích động tấn công cảnh sát.

Bản thân nạn nhân Théo hiện đang nằm tại bệnh viện và cũng kêu gọi người biểu tình kiềm chế và giữ bình tĩnh.

Truyền thông địa phương cho biết các cuộc biểu tình ủng hộ thanh niên nói trên ban đầu diễn ra trong hòa bình.

Tuy nhiên, sau đó, một số đối tượng quá khích đã xô xát với cảnh sát và tình hình trở nên hỗn loạn.

Nhiều ôtô đã bị đốt cháy, các cửa hàng và nhiều tài sản tư nhân bị đập phá.

Cảnh sát đã cáo buộc hàng trăm đối tượng quá khích có các hành động bạo lực và phá hoại.

Aulnay-sous-Bois là một trong những khu vực xảy ra các vụ bạo động, biểu tình vào năm 2005 sau khi 2 thiếu niên bị điện giật chết khi trốn tránh cảnh sát trong trạm biến thế.

Vụ việc khi đó đã dẫn tới làn sóng biểu tình quy mô lớn chống lại cảnh sát, người biểu tình đã phóng hỏa đốt hơn 10.000 xe, 300 tòa nhà, và hơn 6.000 người đã bị bắt giữ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.