Pháp khởi động thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3

Tổng cục Vũ khí của Pháp vừa thông báo một hợp đồng rất quan trọng cho phép các tập đoàn Naval Groupe và TechnicAtome tham gia chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3.
Pháp khởi động thiết kế tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3 ảnh 1Tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Le Triomphant của Pháp. (Nguồn: Wikipedia)

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, Tổng cục Vũ khí của Pháp vừa thông báo một hợp đồng rất quan trọng cho phép các tập đoàn Naval Groupe và TechnicAtome tham gia chế tạo tàu ngầm hạt nhân thế hệ thứ 3, những thiết bị phục vụ chính sách răn đe hạt nhân của Pháp.

Ngày 19/2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly đã đến Val-de-Reuil, thuộc vùng Normandie, để chính thức khởi động các nghiên cứu thiết kế chung cho thế hệ thứ 3 của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo.

Khoản đầu tư của hợp đồng này không được tiết lộ, nhưng Bộ Quốc phòng cho biết các biện pháp răn đe hạt nhân chiếm khoảng 12,5% tổng ngân sách dành cho khí tài quân sự của Pháp.

[Tàu ngầm hạt nhân Suffren của Pháp lần đầu tiên ra khơi]

Hiện nay, 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đang phục vụ trong Hải quân Pháp, thuộc lớp "Le Triomphant" được thiết kế từ những năm 1980 và là thế hệ thứ 2, đi vào hoạt động trong khoảng thời gian 1997-2000.

Mục tiêu của Bộ Quốc phòng Pháp là thay thế hoàn toàn các tàu lớp "Le Triomphant" nói trên vào năm 2035.

Thế hệ tàu ngầm thứ 3 này sẽ được thiết kế để phù hợp với các khí tài hiện có, gồm 16 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân loại M51, được cho là có sức công phá tương đương 1.000 quả bom được thả xuống Hiroshima (Nhật Bản).

Loại tên lửa này đã được trang bị trên một tàu ngầm hạt nhân của Pháp từ năm 2018 và mới chỉ được bắn thử lần đầu tiên vào năm 2020.

Bên cạnh đó, thế hệ tàu ngầm mới sẽ được tăng cường khả năng tàng hình, đặc biệt bằng cách tích hợp một nhà máy tái xử lý khí trên tàu nhằm mục đích không phát thải khí. Việc phát triển các cảm biến siêu âm cũng được chú trọng.

Thế hệ tầu ngầm hạt nhân thứ 3 này được thiết kế để phục vụ Hải quân Pháp cho đến năm 2090.

Các nhà thầu Naval Group và TechnicAtome hiện kêu gọi sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp, cho khoảng 3.000 vị trí việc làm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.