Pháp lập nội các mới với nhiều bộ trưởng thân Tổng thống

Trong nội các mới của Pháp mới thành lập, đáng chú ý có vị trí Bộ trưởng Kinh tế thuộc về ông Emmanuel Macron, là đồng minh thân cận của tổng thống Hollande.
Pháp lập nội các mới với nhiều bộ trưởng thân Tổng thống ảnh 1Thủ tướng Pháp Manuel Valls. (Nguồn: AFP)

Ngày 26/8, chính phủ mới của Pháp đã được thành lập với sự xuất hiện của ông Emmanuel Macron, cựu giám đốc ngân hàng Rothschild nhiều tiếng tăm và cũng là đồng minh thân cận của Tổng thống Pháp Francois Hollande ở vị trí bộ trưởng kinh tế.

Ông Macron sẽ thay thế nhân vật cánh tả Arnaud Montebourg người đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng bằng việc chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ.

Trong nội các mới của Pháp, các bộ trưởng hàng đầu, trong đó có Ngoại trưởng Laurent Fabius, đều tại vị. Tuy nhiên, ba bộ trưởng từng công khai chỉ trích chính sách kinh tế của chính phủ đã bị loại khỏi danh sách nội các mới.

Phát biểu trong một cuộc họp báo ở Paris, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói: “Tổng thống và tôi không thể chấp nhận việc trong nội các lại có một số bộ trưởng nghi vấn về các phương hướng, chính sách kinh tế đã được xác lập bởi lãnh đạo quốc gia.”

Thủ tướng Valls cũng cho biết ông sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Lời cam kết của Thủ tướng Valls được đưa ra sau cuộc cải tổ nội các chứng kiến các bộ trưởng cánh tả rời chính phủ, gây ra lo ngại về mối rạn nứt trong nội bộ Đảng Xã hội, vốn nắm giữ một đa số mỏng manh trong quốc hội.

Lần cải tổ nội các thứ 2 trong vòng 5 tháng qua của Pháp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone vẫn chưa khôi phục được đà tăng trưởng và được dự đoán sẽ không thể đạt các mục tiêu kinh tế trong năm nay.

Tờ Le Monde của Pháp bình luận việc cải tổ nội các lần này được xem là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Hollande nhằm cứu vãn uy tín của mình, khi mà tỷ lệ ủng hộ dành cho ông đã xuống kỷ lục 17%, mức uy tín thấp nhất của một tổng thống Pháp từ trước tới nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.