Pháp muốn chỉnh đốn lại sự hiện diện của quân đội tại Côte d’Ivoire

Côte d'Ivoire được xem là một trong những đồng minh mạnh nhất của Pháp ở khu vực Tây Phi, nơi đóng quân của khoảng 900 lính Pháp thuộc Tiểu đoàn bộ binh thủy quân lục chiến số 43 (43 BIMa).

Binh sỹ Pháp tuần tra tại Diffa, Niger ngày 25/5/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Pháp tuần tra tại Diffa, Niger ngày 25/5/2015. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 21/2, trong chuyến thăm thành phố Abidjan của Côte d'Ivoire, đặc phái viên riêng của Tổng thống Pháp về châu Phi Jean-Marie Bockel đã nhấn mạnh việc “chỉnh đốn lại” sự hiện diện của quân đội Pháp ở quốc gia trên.

Sau một giờ hội kiến với Tổng thống Côte d'Ivoire Alassane Ouattara, ông Bockel tuyên bố: “Đối với tôi, thuật ngữ chỉnh đốn có vẻ là thuật ngữ đúng đắn. Tinh thần là đưa ra các đề xuất, lắng nghe và sau đó là đối thoại để đạt được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.”

Côte d'Ivoire được xem là một trong những đồng minh mạnh nhất của Pháp ở khu vực Tây Phi, nơi đóng quân của khoảng 900 lính Pháp thuộc Tiểu đoàn bộ binh thủy quân lục chiến số 43 (43 BIMa), nơi ông Bockel đã chọn làm điểm đến cho chuyến công du đầu tiên của mình.

Theo phía Pháp, triển vọng hợp tác giữa 2 bên về an ninh sẽ tập trung vào hỗ trợ năng lực cho lực lượng quân đội của Côte d'Ivoire.

Chuyến thăm trên của ông Bockel diễn ra trong bối cảnh ông được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giao nhiệm vụ thảo luận với các nước đối tác châu Phi về các hình thức hiện diện quân sự mới của Pháp tại những nước này hôm 6/2.

Thời gian qua, quân đội Pháp lần lượt bị buộc phải rút quân khỏi các nước Mali, Burkina Faso và sau đó là Niger, 3 quốc gia Tây Phi hiện đang do các chính quyền quân sự nắm quyền lãnh đạo sau các cuộc đảo chính.

Chính quyền Pháp đã khẳng định mong muốn thay đổi sâu sắc mối quan hệ với châu Phi, nhấn mạnh rằng trên hết họ lắng nghe yêu cầu của các đối tác châu Phi, đặc biệt là về các vấn đề an ninh.

Ngoài Côte d'Ivoire, 3 quốc gia châu Phi khác có căn cứ quân sự cũng bị ảnh hưởng do sự điều chỉnh hệ thống quân sự lần này bao gồm Senegal, Gabon và Chad.

Theo dự kiến, ông Bockel sẽ phải đệ trình đề xuất của mình về vấn đề nêu trên lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.