Pháp sẽ xem xét các biện pháp bổ sung để đáp ứng yêu cầu của nông dân

Thủ tướng Pháp để ngỏ việc xem xét các biện pháp bổ sung để giải quyết những khiếu nại của nông dân về việc phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh.

Nông dân dùng máy kéo để phong tỏa đường cao tốc A16. (Nguồn: AFP)
Nông dân dùng máy kéo để phong tỏa đường cao tốc A16. (Nguồn: AFP)

Ngày 28/1, Thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã cam kết hành động nhiều hơn để đáp ứng yêu cầu của nông dân, một ngày trước cuộc biểu tình lớn của nông dân nhằm yêu cầu chính phủ tạo điều kiện tăng thu nhập và sống tốt hơn.

Phát biểu trong chuyến thăm một trang trại ở miền Tây, Thủ tướng Attal để ngỏ việc xem xét các biện pháp bổ sung để giải quyết những khiếu nại của nông dân về việc phải đối mặt với cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có việc bị cấm sử dụng một số sản phẩm liên quan đến môi trường mà các nước láng giềng vẫn có quyền sử dụng.

Cùng ngày, Pháp huy động 15.000 cảnh sát và binh sỹ nhằm tăng cường an ninh cho thủ đô Paris.

Bộ trưởng Nội vụ Gerald Darmanin cho biết việc triển khai lực lượng lớn nhằm đảm bảo không để máy kéo của người biểu tình tiến vào thủ đô Paris, duy trì hoạt động giao thông, thương mại tại các địa điểm quan trọng trong đó có các khu vực sân bay Roissy-Charles de Gaulle, sân bay Orly và chợ bán buôn thực phẩm quốc tế Rungis trong thành phố này.

Ông Darmanin kêu gọi người biểu tình không nên di chuyển vào các khu vực bị chặn đường để đảm bảo an toàn. Ông cũng cảnh báo các hoạt động tại thủ đô Paris và các vùng ngoại ô có thể bị gián đoạn giao thông trong thời gian nông dân biểu tình.

Bộ trưởng Darmanin lưu ý rằng các cuộc biểu tình đã làm giảm tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Trước đó, ngày 27/1, Liên minh quốc gia các nghiệp đoàn nông dân (FNSEA) và Nghiệp đoàn nông dân trẻ (SJA) tuyên bố các tổ chức thành viên sẽ bắt đầu chiến dịch biểu tình ở thủ đô Paris trong thời gian kéo dài không xác định.

Trong tuần qua, các cuộc biểu tình của nông dân trên một số tuyến đường cao tốc gần Paris đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông.

Người biểu tình cho rằng họ phải đối mặt với sự cạnh tranh không công bằng từ các đối thủ ở các quốc gia có quy định lỏng lẻo hơn.

Ngày 26/1, Chính phủ Pháp đã hủy bỏ kế hoạch giảm dần trợ cấp của nhà nước đối với dầu diesel nông nghiệp và công bố một số bước đi khác nhằm giảm áp lực tài chính và hành chính cho nông dân.

Tuy nhiên, lãnh đạo FNSEA, ông Arnaud Rousseau cho biết nông dân Pháp mong đợi chính phủ làm nhiều hơn thế, đưa ra các quyết định giải quyết tận gốc bản chất vấn đề đang gây khó cho sinh kế của nông dân.

Cùng ngày 28/1, tại Bỉ nông dân tiếp tục biểu tình, đưa hàng chục máy kéo di chuyển trên đường cao tốc E42 phía Bắc Namur gây ách tắc giao thông.

Biểu tình của nông dân bên ngoài một sân bóng đá đã khiến trận đấu giữa FC Genk và Sint-Truiden phải hoãn 30 phút.

Lý do bất bình của nông dân Bỉ cũng tương tự như nông dân Pháp. Người phát ngôn của Liên đoàn nông dân trẻ FJA - đơn vị tổ chức biểu tình, ông Pierre d'Hulst, cho biết nông dân Bỉ muốn có thu nhập xứng đáng và chính sách nông nghiệp sát thực tế.

Trong những tuần gần đây, các cuộc biểu tình của nông dân các nước châu Âu cũng đã diễn ra ở Đức, Ba Lan, Romania và Hà Lan trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) nỗ lực giải quyết những lo ngại trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) vào tháng 6/2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.