Pháp tăng cường giáo dục tính thế tục và ý thức công dân

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem đã công bố kế hoạch tăng cường giáo dục tính thế tục và ý thức công dân trong các trường học.
Pháp tăng cường giáo dục tính thế tục và ý thức công dân ảnh 1Quang cảnh một lớp học tại Pháp. (Ảnh: Báo Le Monde)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, chiều 22/1, tại điện Matignon (Phủ Thủ tướng), Bộ trưởng Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem đã công bố kế hoạch tăng cường giáo dục tính thế tục và ý thức công dân trong các trường học như là các biện pháp đặc thù nhằm truyền đạt tới học sinh các giá trị của nền cộng hòa, xóa bỏ bất bình đẳng xã hội và đặc biệt là đấu tranh chống lại nguy cơ khủng bố từ góc độ giáo dục.

Với số tiền đầu tư là 250 triệu euro, triển khai trong 3 năm, kể từ năm học 2015-2016, kế hoạch này đặt ra như một yêu cầu bắt buộc kể từ sau vụ thảm sát đẫm máu tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7/1 vừa qua.

Trên thực tế, những ngày qua tại Pháp đã nổ ra cuộc tranh luận là tại sao 3 kẻ khủng bố gồm hai anh em nhà Kouachi và Amedy Coulibaly, sinh ra trong các gia đình nhập cư, lớn lên tại Pháp và được nước Pháp đón nhận nhưng lại quay lưng chống lại nước Pháp.

Bên cạnh đó, việc nhiều học sinh từ chối đứng lên dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân vào trưa ngày 8/1 theo quyết định của Tổng thống Pháp François Hollande cũng cho thấy nhiều lỗ hổng trong việc giáo dục ý thức công dân trong nhà trường tại Pháp.

Theo Bộ trưởng Giáo dục Najat Vallaud-Belkacem, trong bối cảnh đó, nhà trường phải được coi là một mặt trận tuyến đầu, một thành trì để nâng cao đạo đức và ý thức công dân, để truyền đạt cho học sinh những giá trị mà nước Pháp đề cao như "Tự do, bình đẳng, bác ái," đồng thời đấu tranh chống lại việc tiếp thu những tư tưởng cực đoan.

Các học sinh phải ý thức được rằng mình thuộc về một cộng đồng quốc gia, bắt đầu bằng việc sử dụng chung ngôn ngữ tiếng Pháp.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, từ nay đến tháng 7/2015, Bộ Giáo dục Pháp triển khai việc đào tạo và bổ sung kiến thức về tính thế tục cho 1.000 nhân viên, bao gồm thanh tra, giáo viên, cố vấn giáo dục, nhân viên định hướng nghề nghiệp, nhân viên y tế và xã hội, để họ có thể làm lan tỏa sau đó những kiến thức này tới mọi đối tượng trong nhà trường.

Trên thực tế, Luật 1905 (ban hành năm 1905) của Pháp đã tách bạch quyền lực chính trị và hoạt động tôn giáo, đồng thời nêu rõ thế tục là một nguyên tắc, Nhà nước có tính trung lập, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, nhưng các hoạt động tôn giáo phải tôn trọng an ninh quốc gia.

Hiến chương Thế tục trong các trường học cũng được ban hành từ năm 2013. Theo quy định mới, từ nay, khi ghi danh vào một trường, học sinh và cha mẹ phải ký cam kết thực hiện Hiến chương đó.

Cũng trong nội dung này, tại các đợt tuyển dụng giáo viên, các thí sinh buộc phải trình bày khả năng chia sẻ các giá trị của nền cộng hòa, đề cập với học sinh các vấn đề liên quan đến ý thức công dân, tính thế tục, cuộc đấu tranh chống các định kiến…

Ngoài ra, các nghi lễ chào cờ, hát quốc ca vốn là quy định bắt buộc trong các trường tiểu học phải được thực hiện nghiêm chỉnh. Bên cạnh đó, ngày 9/12 được chọn là Ngày Thế tục và sẽ được tổ chức hàng năm.

Các biện pháp thực hiện cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường giảng dạy tiếng Pháp, nhằm giảm tỷ lệ bỏ học, tăng cường công tác hướng nghiệp, huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ vào việc giáo dục con cái, hướng dẫn học sinh tiếp thu có chọn lọc các thông tin trên Internet và mạng xã hội.

Trước khi kế hoạch của Bộ trưởng Giáo dục Pháp Najat Vallaud-Belkacem được công bố, ngày 21/1, tại lễ chúc mừng giáo viên và học sinh được tổ chức tại giảng đường trường Đại học Sorbonne nhân dịp đầu năm, Tổng thống Pháp François Hollande đã nêu rõ quan điểm ủng hộ việc khôi phục quyền lực của giáo viên trong nhà trường đồng thời thắt chặt các biện pháp chống lại các biểu hiện và hành vi bôi nhọ các giá trị của nền cộng hòa.

Ông cũng cam kết thực hiện đúng kế hoạch tạo ra 60.000 việc làm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.