Pháp tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương: Cuốn theo chiều gió

Sự hiện diện của Hải quân Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giúp giảm gánh nặng cho Hải quân Mỹ vốn đang căng thẳng về số lượng hàng không mẫu hạm và Washington muốn hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông.
Pháp tăng cường hiện diện ở Thái Bình Dương: Cuốn theo chiều gió ảnh 1Tàu tuần tra Commandant Birot của Hải quân Pháp.(Nguồn: Colsbleus)

Theo trang mạng news.in-24.com/marine-oceans.com/RFI, gần đây, Tham mưu trưởng Hải quân Pháp, Đô đốc Pierre Vandier, đã nhận định rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nguy cơ bị Trung Quốc "bóp nghẹt," đồng thời chia sẻ về những kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Hải quân Pháp ở khu vực.

Nhận định này được trích dẫn từ các bài phỏng vấn do một số báo chí quốc tế thực hiện nhân dịp Pháp đang đảm nhiệm Chủ tịch Hội nghị chuyên đề hải quân Ấn Độ Dương (IONS) - diễn đàn về hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương.

Trong bài phỏng vấn được trang mạng news.in-24.com đăng tải hôm 10/6, khi được hỏi về những đánh giá trước những hành động phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương: khoảng 200 tàu thuyền Trung Quốc tập trung gần Đá Ba Đầu ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông, mà Philippines tuyên bố chủ quyền, lập bản đồ đáy Ấn Độ Dương với thiết bị bay không người lái, điều 20 chiến đấu cơ J-20 xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan…, Đô đốc Pierre Vandier cho rằng đây là những bằng chứng cho thấy sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh.

Ông viện dẫn những bằng chứng như tàu của Pháp bị theo dõi một cách có hệ thống, đôi khi buộc phải xoay xở trước tàu Trung Quốc để tránh các vụ va chạm, bất chấp các quy tắc tự do hàng hải.

Theo ông, Trung Quốc cũng mở rộng sức ép mang tính "chủ quyền" đối với vùng lãnh hải vượt ra khỏi phạm vi chuỗi đảo thứ nhất trên Biển Đông.

Đồng thời, Bắc Kinh lại buộc một số nước phải tuân thủ những đòi hỏi của họ như không được tiến hành tập trận hoặc không cho tàu thuyền nước ngoài neo đậu.

Sự phát triển quân sự của Trung Quốc rõ ràng phục vụ một ý đồ chính trị nào đó. Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc cũng đã vạch ra những mục tiêu chiến lược. Sự cứng rắn của Bắc Kinh đã vươn lên một nấc thang mới và điều này có thể dự đoán được.

[Tàu chiến Pháp đến Thái Bình Dương: Những nguy cơ đang tích tụ?]

Trả lời câu hỏi liệu đây có phải là logic lập pháo đài và thành trì hơn là làm gián đoạn lưu thông hàng hải hay không, Đô đốc Pierre Vandier phân tích cả một quá trình của vấn đề này.

Ông cho rằng ban đầu, những hành động kiểu như trên của Trung Quốc chủ yếu thể hiện mối quan tâm của Bắc Kinh về lợi ích lãnh thổ và thương mại. Tuy nhiên, khi hiện nay trở thành một cường quốc thương mại thế giới, Trung Quốc sẽ tăng cường phát triển hải quân.

Theo vị đô đốc này, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nguy cơ bị Trung Quốc "bóp nghẹt" bằng các đòn bẩy tài chính, kinh tế, ngoại giao và quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc có thể gây áp lực bằng cách thúc đẩy chiến tranh hỗn hợp, chiến tranh mạng hoặc bằng nhiều phương tiện khác.

Trước đó, các tin tức cho hay Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đang yêu cầu được cấp thêm 1 tỷ USD (800 triệu euro) để đối phó với Trung Quốc.

Khi được hỏi về kế hoạch của Hải quân Pháp, ông tiết lộ chiến lược của Paris mang tính thực dụng, nhằm tối đa hóa hiệu ứng đòn bẩy của Pháp thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ Pháp với chính phủ Ấn Độ và Australia.

Quan hệ hợp tác ba bên này được triển khai theo các thương vụ xuất khẩu vũ khí phù hợp với nhu cầu thực tế và có thể làm thay đổi cuộc chơi. Với 36 chiến đấu cơ Rafale mua của Pháp, Không quân Ấn Độ trở nên mạnh mẽ hơn và được tôn trọng hơn.

Tương tự với việc Australia trang bị tàu ngầm mua của Pháp. Ngoài ra, ba bên còn có các thỏa thuận về tình báo. Trả lời phỏng vấn của Marine&Oceans, đô đốc Pháp còn cho biết hải quân ba nước cũng tiến hành các cuộc tập trận chung.

Cơ chế hợp tác ba nước còn mở rộng sang Mỹ và Nhật Bản thông qua các cuộc tập trận chung như "La Perouse" và “ARC21” đều diễn ra trong năm 2021. Ông khẳng định đây là một mối quan hệ được cấu trúc từ trên xuống và có sự phối hợp.

Về kế hoạch của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong thời gian tới, ông Pierre Vandier cho biết Paris đang lên kế hoạch triển khai các phương tiện như các đội tàu sân bay đến khu vực sau khi nhận thấy các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mong muốn có sự hiện diện quân sự của Pháp ở cấp độ cao hơn.

Theo kế hoạch được dự kiến hồi năm 2012, đội tàu sân bay này sẽ gồm 15 khinh hạm để có thể hoạt động ở 3 khu vực. Thế nhưng, đội tàu sân bay này đã có mặt ở 4 hoặc 5 khu vực từ nhiều năm nay. Vì thế, sự hiện diện ở cấp độ này của Hải quân Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là không liên tục.

Đội tàu này trước hết làm nhiệm vụ bảo vệ quốc gia: Cảnh báo thường trực giúp bảo đảm năng lực răn đe và các phương pháp tiếp cận của Pháp. Theo đánh giá của vị đô đốc này, nước có thể “chạy tiếp sức” cho nỗ lực này của Pháp là Australia và nước mà Paris có thể "kết nối" là Mỹ.

Sự hiện diện của Hải quân Pháp ở khu vực giúp giảm gánh nặng cho Hải quân Mỹ vốn đang căng thẳng về số lượng hàng không mẫu hạm và Washington lại muốn hiện diện nhiều hơn ở Biển Đông.

Cuối cùng, đánh giá về những thách thức mà sức mạnh của Trung Quốc có thể đặt ra cho tương lai, vị đô đốc này cho rằng thách thức này mang tính tập thể: Các nước phải đối thoại được với Trung Quốc để mang lại an ninh. Không nước nào muốn có chiến tranh.

Trong một vài năm nữa, có thể các nước sẽ không còn đi qua một eo biển nào mà không thấy sự hiện diện của các tàu khu trục của Trung Quốc, hoặc thậm chí sẽ bị tàu Trung Quốc ngăn cản không cho đi qua.

Áp lực sẽ ở mức cao. Trung Quốc đang sử dụng một sức mạnh quân sự rất lớn. Dù muốn hay không, chúng ta vẫn bị "cuốn theo chiều gió" vào những mối căng thẳng đang gia tăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Tàu ngầm INS Arihant. (Nguồn: Hindustan Times)

Ấn Độ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân thứ tư

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) thứ tư của Ấn Độ, được gọi là S4*, đã được hạ thủy tại Trung tâm Đóng tàu ở Visakhapatnam vào hôm 16/10.