Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hợp tác chấm dứt cuộc xung đột ở Syria

Văn phòng Tổng thống Pháp tuyên bố, trong những tuần tới, nước này và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác để đưa ra một lộ trình ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria.
Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết hợp tác chấm dứt cuộc xung đột ở Syria ảnh 1Binh sĩ và xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, Syria ngày 22/1. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trong những tuần tới, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hợp tác để đưa ra một lộ trình ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 7 năm qua ở Syria.

Đây là tuyên bố được Văn phòng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra ngày 4/2 sau cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước.

Thông báo từ Điện Elysee cho biết hai tổng thống đã nhất trí trong vài tuần tới sẽ cùng thảo luận về lộ trình ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria.

Để đạt được lộ trình này, các cuộc thảo luận giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được tăng cường trong những ngày tới.

Ngoài ra, hai bên đều hy vọng Liên hợp quốc sẽ giám sát giải pháp chính này.

Trước đó, hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 3/2, Tổng thống Tayyip Erdogan đã khẳng định với người đồng cấp Pháp về việc Ankara không có ý định xâm chiếm lãnh thổ của Syria.

Ông Erdogan cũng nhấn mạnh chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm chống khủng bố tại khu vực Afrin.

[Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ biện minh cho chiến dịch quân sự ở Syria]

Cùng ngày 3/2, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã tái khẳng định lập trường hoàn toàn ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria.

Các tuyên bố của giới chức Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau một bình luận trước đó của Tổng thống Pháp, trong đó ông Macron cảnh báo sẽ là "vấn đề thực sự" nếu chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ biến thành một cuộc xâm lược.

Liên quan đến chiến dịch "Nhành Ôliu" của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, cùng ngày, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag để ngỏ khả năng mở rộng hoạt động, đồng thời cảnh báo binh sỹ Mỹ có thể trở thành các mục tiêu tấn công nếu mặc quân phục của các lực lượng mà Ankara coi là khủng bố.

Phát biểu trên kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Phó Thủ tướng Bozdag khẳng định nếu Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) không rút lui khỏi Manbij, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến đến Manbij, và phía Đông của sông Euphrates.

Ông Bozdag nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không muốn có xung đột với quân đội Mỹ song nếu xuất hiện trong quân phục của YPG, binh sỹ Mỹ có khả năng sẽ bị tấn công.

Phó Thủ tướng Bozdag nêu rõ nếu binh sỹ Mỹ mặc đồng phục của YPG hay đứng cùng "những kẻ khủng bố" trong một cuộc tấn công nhằm vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, các binh sỹ nước này sẽ coi tất cả là khủng bố.

Tuyên bố này của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi ngày 3/2 vừa trở thành ngày thương vong nhiều nhất đối với quân đội nước này kể từ khi chiến dịch "Nhành Ôliu" được khởi động ngày 20/1 vừa qua với 7 binh sỹ thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ác liệt với các tay súng YPG, trong đó có 5 người thiệt mạng trong một vụ tấn công vào xe tăng.

Tính đến nay, 14 binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự "Nhành Ôliu."

Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch "Nhành Ôliu" nhằm đánh đuổi các tay súng YPG tại Afrin.

Ankara coi YPG là một tổ chức khủng bố vì có quan hệ với đảng PKK vốn bị cấm hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ do YPG là lực lượng được Mỹ hậu thuẫn trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngoài vùng bị bao vây ở Tây Bắc Afrin, YPG cũng kiểm soát một khu vực từ thị trấn chiến lược Manbij sang phía Đông và một dải ở phía Đông sông Euphrates đến biên giới Iraq.

Quân đội Mỹ không hiện diện ở quanh Afrin song có triển khai tại Manbij và phía Đông sông Euphrates để phối hợp với YPG chống IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.