Pháp thừa nhận tác động từ chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã thừa nhận các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Pháp từ năm 1966-1996 tại Polynesia đã tác động xấu tới sức khỏe cư dân tại đây.
 
Pháp thừa nhận tác động từ chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân ảnh 1Một vụ thử vũ khí hạt nhân của Pháp tại Polynesia ngày 3/7/1970. (Nguồn: Quân đội Pháp)

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 23/2 đã thừa nhận các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Pháp từ năm 1966 đến 1996 tại Polynesia - vùng lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương, đã tác động xấu tới sức khỏe cư dân và môi trường tại đây.

Ông cam kết sẽ xem xét lại vấn đề bồi thường cho các nạn nhân.

Ông Hollande đưa ra tuyên bố trên trong trong chuyến thăm Papeete, thủ phủ của Polynesia và đây là lời thừa nhận rõ ràng nhất cho tới nay về tác động của chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Pháp.

Pháp đã tiến hành 193 vụ thử vũ khí hạt nhân trên các đảo san hô Mururoa và Fangataufa trước khi cựu Tổng thống Jacques Chirac tuyên bố chấm dứt chương trình thử vũ khí hạt nhân trong thập niên 1990.

Khoảng 150.000 nhân viên quân sự và dân sự đã tham gia 210 cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân từ năm 1960 đến 1996 của Pháp tại khu vực Thái Bình Dương và sa mạc Sahara châu Phi.

Nhiều người trong số này sau đó đã có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20 người nhận được bồi thường do mắc bệnh ung thư được cho là có liên quan tới các vụ thử vũ khí hạt nhân trong số khoảng 1000 đơn khiếu nại và Tổng thống Hollande tuyên bố quá trình này giờ đây sẽ được xem xét lại.

Trong nhiều thập niên qua, Pháp đã phủ nhận trách nhiệm của mình do lo ngại việc thừa nhận sẽ làm suy yếu chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, trong năm 2010, Pháp đã thông qua đạo luật cho phép bồi thường cho các cựu chiến binh và nhân viên dân sự mắc bệnh ung thư được cho là do ảnh hưởng của chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Polynesia với dân số khoảng 280.000 người là một trong 3 lãnh thổ của Pháp ở Thái Bình Dương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.