Ngày 9/1, hàng chục nghìn người biểu tình đã đổ xuống đường tuần hành trên khắp nước Pháp nhằm phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron.
Đây là ngày thứ 4 trong đợt tuần hành bắt đầu từ ngày 5/12 năm ngoái, trong khi cuộc đình công trong ngành giao thông công cộng bước sang ngày thứ 36.
Căng thẳng nổ ra tại thủ đô Paris và các thành phố khác sau khi những người biểu tình mặc đồ đen đập phá cửa kính của nhiều cửa hàng và gây rối tại các điểm dừng xe buýt, trong khi nhiều người khác ném đá vào lực lượng cảnh sát giải tán đám đông bằng hơi cay.
Cảnh sát cho biết đã bắt giữ ít nhất 24 người tại Paris, nơi có 56.000 người biểu tình tuần hành về phía nhà ga Saint-Lazare.
[Pháp chỉ định nghị sỹ mới giám sát đàm phán cải cách hưu trí]
Trong khi đó, khoảng 452.000 người khác từ giáo viên đến công nhân tàu điện ngầm tuần hành trên khắp nước Pháp.
Cuộc đình công đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông tại Paris và nhiều thành phố khác.
Theo cơ quan khai thác đường sắt SNCF, 2/3 lái tàu và 57,6% kiểm soát viên tham gia cuộc đình công do đó SNCF dự kiến sẽ chỉ duy trì 60% số chuyến tàu cao tốc còn đối với các chuyến liên tỉnh từ 5 chuyến rút còn 1 chuyến vào ngày 9/1.
Tại Paris, toàn bộ 16 tuyến tàu điện ngầm đều mở cửa nhưng nhiều dịch vụ bị cắt giảm. Tổng cục Hàng không dân dụng (DGAC) đã yêu cầu các hãng hàng không hủy 1/3 các chuyến bay đến và đi từ Toulouse, Tây Nam nước này, đồng thời dự kiến tình trạng gián đoạn và hoãn hủy cũng xảy ra ở các sân bay khác.
Ngoài ra, nhiều lĩnh vực ngành nghề khác cũng bị ảnh hưởng do nhân viên tham gia đình công.
Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Macron cam kết tiến hành những cải cách triệt để hệ thống lương hưu. Theo đó, hệ thống lương hưu phức tạp hiện hành gồm hơn 42 mức khác nhau sẽ được thay thế bằng một hệ thống phổ cập mới dựa trên tính điểm. Những điều chỉnh này sẽ được áp dụng theo từng bước.
Hệ thống mới cũng giữ nguyên tuổi về hưu hợp pháp là 62 tuổi, song sẽ khuyến khích những người muốn làm việc lâu hơn (cho tới năm 64 tuổi) thông qua một hệ thống thưởng và hệ thống miễn giảm.
Điểm mấu chốt phía người lao động chưa hài lòng là việc hệ thống hưu trí mới sẽ hủy bỏ các cơ chế lương hưu đặc biệt (bao gồm cơ chế cho phép nghỉ hưu sớm và một số lợi ích khác đối với người lao động thuộc khu vực công).
Ngoài ra, các nghiệp đoàn đại diện cho quyền lợi của người lao động trong các ngành nghề khác nhau ở Pháp cũng không đồng tình kế hoạch kéo dài tuổi lao động./.