Vinh danh tất cả những người lính 'vô danh' trong quá khứ và hiện tại

Pháp tổ chức lễ tôn vinh "tất cả những người lính vô danh"

Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì một lễ tưởng niệm dành cho "Người lính vô danh," đã yên nghỉ gần một thế kỷ nay dưới chân Khải Hoàn Môn.
Pháp tổ chức lễ tôn vinh "tất cả những người lính vô danh" ảnh 1Tướng Pháp Charles de Gaulle cùng đoàn tùy tùng của mình dạo bước qua Khải Hoàn Môn sau khi Paris được giải phóng, ngày 28/8/1944. (Ảnh: Tư liệu quốc tế/TTXVN phát)

Tướng Bruno Dary, cựu chỉ huy lữ đoàn nhảy dù số 2 và cựu tư lệnh Binh đoàn Lê dương Pháp, đánh giá rằng lễ kỷ niệm 75 năm ngày chiến thắng phátxít có một ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh những người lính áo trắng "vô danh" đang thầm lặng chiến đấu hàng ngày với đại dịch COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, vào ngày 8/5, Pháp chỉ tổ chức buổi lễ chính thức duy nhất trong bối cảnh lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn đang có hiệu lực.

Tổng thống Emmanuel Macron đã chủ trì một lễ tưởng niệm dành cho "Người lính vô danh," đã yên nghỉ gần một thế kỷ nay dưới chân Khải Hoàn Môn.

[Truyền thông châu Âu đồng loạt nhắc về tội ác của chủ nghĩa phátxít]

Nhân dịp này, toàn nước Pháp bày tỏ lòng tôn kính với tất cả những người lính đã hy sinh trong các cuộc chiến.

Theo tướng Bruno Dary, ngày kỷ niệm chiến thắng phátxít năm nay có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi vì rơi vào đúng thời điểm phong tỏa của toàn nước Pháp. Đây là một cơ hội để vinh danh tất cả những người đã tham gia vào một cuộc đấu tranh khác, không phải chống lại kẻ thù bên ngoài biên giới, mà là kẻ thù "vô hình, khó nắm bắt" - đại dịch COVID-19.

Một cơ hội để vinh danh những người lính "thầm lặng," phẩm chất giống như người lính vô danh, làm việc không ngơi nghỉ để bảo vệ người dân Pháp.

Họ là những nhân viên y tế, bất kể chức danh gì như bác sĩ, y tá hoặc điều dưỡng viên. Một số người đã cống hiến hết mình, hy sinh mạng sống vì công việc khi trở thành nạn nhân của đại dịch.

Bằng sự cống hiến không giới hạn, họ đã chiến đấu với một kẻ thù khác không kém phần nguy hiểm như trên chiến trường. Phần lớn họ sẽ mãi là "vô danh," nhưng bằng hành động của mình, họ bảo vệ quốc gia và góp phần vào chiến thắng trong tương lai.

Họ là những người làm việc tại "hậu phương," đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân. Đó là những người sản xuất nông nghiệp và lương thực, những người buôn bán thực phẩm, công nhân môi trường, lái xe vận tải đường dài và nhân viên giao hàng...

Đó cũng là lực lượng cảnh sát và hiến binh, những người hoàn thành nhiệm vụ một cách không mệt mỏi, dù còn thiếu thốn rất nhiều phương tiện bảo hộ như khẩu trang y tế...

Tướng Bruno Dary nhấn mạnh trong cuộc chiến chống đại dịch ngày nay, ngọn lửa vĩnh cửu dưới chân Khải Hoàn Môn vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử của mình, nhưng cũng sẽ được thổi bùng thành "Ngọn lửa hy vọng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.