Pháp và Iraq nhất trí tăng cường hành động chung để chống IS

Tổng thống Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Iraq Fuad Masum nhấn mạnh sẵn sàng đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.
Pháp và Iraq nhất trí tăng cường hành động chung để chống IS ảnh 1Máy bay Rafale của Pháp tham gia không kích IS. (Nguồn: washingtonpost.com)

Pháp và Iraq đã nhất trí tăng cường hành động chung trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.

Đây là tuyên bố được đưa ra từ Điện Elysee sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống nước chủ nhà Pháp Francois Hollande và người đồng cấp Iraq Fuad Masum ngày 2/12 tại thủ đô Paris.

Thông cáo nêu rõ hai nhà lãnh đạo đã ghi nhận nhiều tiến bộ trong cuộc chiến chống IS ở Iraq và nhấn mạnh sẵn sàng đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Hollande và người đồng cấp Masum diễn ra trong bối cảnh trước đó lực lượng không quân Pháp đã ném bom dồn dập vào các cứ điểm của IS tại Iraq.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Pháp, máy bay chiến đấu Mirage 2000 cất cánh từ căn cứ không quân ở Jordan đã ném bom vào một kho vũ khí và kho thuốc nổ của IS ở thị trấn Tal-Afar, cách không xa thành phố Mosul, miền Bắc Iraq.

Ngày 23/11 vừa qua, lần đầu tiên, Pháp sử dụng các máy bay chiến đấu Rafale cất cách từ tàu sân bay Charles de Gaulle đang được triển khai ở phía Đông Địa Trung Hải để tấn công vào các mục tiêu của IS trên lãnh thổ Iraq. Ngoài tàu sân bay Charles de Gaulle mang theo 26 máy bay chiến đấu, Pháp còn có 6 chiếc Mirage và 6 chiếc Rafale tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) và Jordan để tham gia chống IS.

Theo nhận định của giới quan sát, Pháp đã tăng cường ném bom vào các mục tiêu của IS ở Syria và Iraq sau khi Tổng thống Hollande tiến hành một loạt chuyến thăm làm việc tới một số quốc gia trong đó có Nga và Mỹ vào hồi tuần trước nhằm thiết lập liên minh rộng lớn chống khủng bố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.