Chúng ta thường nghĩ rằng tập thể dục giúp cơ thể đốt cháy calo và giảm cân. Nhưng theo nhận định của Herman Pontzer, một chuyên gia hàng đầu về trao đổi chất và sự phát triển của nó trong lịch sử loài người, thì không hẳn như vậy.
Pontzer đã trình bày nghiên cứu của mình trong cuốn sách "Burn: New Research Blows the Lid Off How We Really Burn Calories, Stay Healthy, and Lose Weight" (Nghiên cứu mới tiết lộ cách chúng ta thực sự đốt cháy calo, duy trì sức khỏe và giảm cân).
Tập thể dục là chưa đủ để giảm cân
Cuốn sách nói rằng mặc dù tập thể dục là điều quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể, nhưng về lâu dài, nó sẽ không giúp bạn giảm cân.
Pontzer cho biết tập thể dục có thể giúp bạn giảm cân trong 10 tháng đầu tiên hoặc lâu hơn, nhưng sau đó bạn sẽ trở lại cân nặng ban đầu, ngay cả khi bạn tuân thủ chế độ tập luyện của mình.
Đó là bởi cơ thể bạn đã tiến hóa để có một ý tưởng cố định về mức tiêu hao năng lượng hàng ngày và mức tiêu hao đó sẽ quay trở lại vị trí ban đầu sau 10 tháng đó, bất kể bạn đang làm gì.
["Chìa khóa" dẫn đến thành công trong việc giảm cân lâu dài]
Các động cơ trao đổi chất của bạn, chủ yếu là vùng dưới đồi (là một vùng nhỏ ở trung tâm bộ não, nằm giữa tuyến yên và đồi thị), làm việc chăm chỉ để giữ mức tiêu hao năng lượng trong một giới hạn hẹp cho dù bạn có tập thể dục hay không, và cơ thể bạn sẽ bù đắp cho bất cứ điều gì bạn làm để tác động đến nó.
Mặc dù nghe có vẻ ngược đời, nhưng khi bạn tập luyện chăm chỉ trên máy chạy bộ, sau vài tháng, bạn thực sự không đốt cháy nhiều năng lượng hơn so với khi bạn không đến phòng tập và thay vào đó ngồi ở nhà và xem TV.
Điều này rất quan trọng đối với các chiến lược giảm cân, Pontzer nói.
Trong khi năng lượng đi ra ngoài - năng lượng mà bạn tiêu tốn trong khi tập thể dục - không ảnh hưởng đến cân nặng của bạn, thì năng lượng đi vào lại chính là yếu tố khiến bạn tăng cân. Những gì đang đi vào cơ thể chính là thức ăn. Vì vậy, cách duy nhất để giảm cân là kiểm soát những gì bạn ăn, Pontzer nhấn mạnh.
“Có một quan điểm lâu đời về sức khỏe cộng đồng cho rằng một trong những thay đổi trong cuộc sống hiện đại là sự suy giảm về thể chất,” Pontzer nói trong một bài giảng được tổ chức bởi tạp chí New Scientist của Anh.
“Tức là con người thời nay ít hoạt động hơn so với những người cùng lứa tuổi tổ tiên của họ nên họ đốt cháy ít calo hơn, đốt cháy ít năng lượng hơn mỗi ngày. Khi lượng calo giảm ít hơn, chúng ta đốt cháy ít calo chất béo hơn, dẫn tới việc tăng cân. Do đó, chúng ta bị béo phì,” ông nói.
Pontzer nói về những lý thuyết này sau công trình nghiên cứu của ông với Hadza, một bộ lạc săn bắn hái lượm ở Tanzania. Nghiên cứu cho thấy mức tiêu hao năng lượng của họ không khác gì mức tiêu hao năng lượng của những người ít vận động ở Mỹ.
Có lối sống vận động liên tục, từ săn bắn động vật hoang dã và tìm kiếm thực vật, hoạt động thể chất mỗi ngày của người Hadza nhiều gấp 5 đến 10 lần so với hầu hết phụ nữ ở Mỹ hoặc châu Âu. Nhưng ngạc nhiên thay người Hadza đốt cháy cùng một lượng calo như những người ít vận động hơn ở phương Tây.
Sự khác biệt là người Hadza tiêu tốn nhiều calo hơn cho hoạt động thể chất và ít hơn cho các nhiệm vụ vô hình khác trong cơ thể - chẳng hạn như chống viêm, phản ứng với căng thẳng và những thứ khác khiến chúng ta bị bệnh.
Pontzer nói: “Nghiên cứu cho thấy rằng không có sự khác biệt về tổng năng lượng tiêu hao hàng ngày tính theo lượng calo được đốt cháy mỗi ngày giữa những người thực sự hoạt động thể chất so với những người ít hoạt động ở Mỹ."
Mặc dù mức tiêu hao năng lượng gần như giống nhau ở hai nhóm, nhưng béo phì rất hiếm ở các bộ lạc như Hadza. Ông kết luận yếu tố chính phải là chế độ ăn uống của họ.
Pontzer đã nghiên cứu về lối sống, chế độ ăn uống và lịch sử tiến hóa ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sức khỏe của con người như thế nào.
Một trong những mối quan tâm chính của Pontzer là bệnh béo phì.
Gốc rễ của béo phì
Ông nói: “Tôi nghiên cứu cách cơ thể chúng ta tiến hóa và cách quá trình tiến hóa đưa chúng ta đến cơ thể như ngày nay, xem xét quá trình trao đổi chất, tập thể dục, hoạt động và chế độ ăn uống từ góc độ tiến hóa."
Bối cảnh nghiên cứu của Pontzer bắt nguồn từ 2,5 triệu năm trước, khi loài người thông minh chúng ta - homo sapiens - trở thành những người săn bắt hái lượm, tìm kiếm thực vật hoang dã và săn bắt động vật để làm thức ăn.
Điều này đã định hình quá trình tiến hóa của chúng ta. Nó xác định loài của chúng ta, ông nói. Cơ thể chúng ta tiến hóa theo một cách nhất định để hỗ trợ lối sống săn bắn hái lượm của chúng ta trong 2,5 triệu năm.
Sau đó là cuộc cách mạng công nghiệp vào thế kỷ 18 và 19, tiếp theo là lối sống ít vận động hơn và sự xuất hiện của các siêu thị. Cơ thể chúng ta vẫn chưa tiến hóa để phù hợp với sự thay đổi lối sống. Và hậu quả là chúng bị "bối rối."
“Có lẽ những thay đổi gần đây là lý do khiến chúng ta bị ốm theo những cách kỳ lạ," Pontzer nói. Ông lưu ý rằng trong các bộ lạc săn bắn hái lượm, số người mắc bệnh tim, béo phì và tiểu đường có tỷ lệ rất thấp.
Ông nói ngày nay chúng ta sản xuất thực phẩm bằng cách bơm vào các sản phẩm rất nhiều năng lượng - tức là calo. Các thực phẩm này không làm chúng ta no căng bụng, vì vậy chúng ta có xu hướng ăn nhiều hơn. Và sau đó, những quả bom calo này khiến chúng ta rơi vào tình trạng tiêu thụ quá mức. Đây có thể là gốc rễ của căn bệnh béo phì.
Ông lưu ý: “Sự thay đổi căn bản trong chế độ ăn uống của chúng ta chỉ xảy ra trong khoảng 200 năm trở lại đây, với quá trình công nghiệp hóa. Khi chúng ta bắt đầu chế biến thực phẩm và sản xuất tại các nhà máy, chúng ta bắt đầu dồn mọi loại năng lượng vào những sản phẩm này. Thực phẩm chế biến khiến chúng ta bị tăng cân.”
Chế độ ăn phù hợp
Vậy chúng ta nên ăn gì? Theo kiến thức về hệ vi sinh vật đường ruột, sự đa dạng của các loại thực ăn là rất quan trọng.
Pontzer chỉ trích gay gắt chế độ ăn kiêng Paleo, được thiết kế để giống với những gì tổ tiên của loài người đã hình thành từ hàng nghìn năm trước trong giai đoạn săn bắn hái lượm.
Ông giải thích rằng những người thợ săn đã chia sẻ chiến lợi phẩm của họ với những người hái lượm, vì vậy mọi người đều có một chút thức ăn thuộc các loại khác nhau để tiêu thụ.
Chất xơ rất quan trọng trong chế độ ăn của người săn bắn hái lượm. Nó có tác dụng khiến cơ thể no hơn nên họ không ăn nhiều. Ông cũng lưu ý rằng người Hadza nhai rễ dạng sợi và rau. Họ ăn có xu hướng nhiều xơ hơn các loại củ quả mập mạp như phiên bản ở siêu thị.
Pontzer không phải là người ủng hộ chế độ ăn hoàn toàn dựa trên thực vật và lưu ý rằng tổ tiên của chúng ta chắc chắn đã ăn thịt khi họ có thể giết hoặc trộm thức ăn từ những những loài săn mồi khác. Vì vậy, chúng ta đã tiến hóa để ăn thịt.
Nhưng sự sẵn có của thực vật ở khắp mọi nơi có nghĩa là họ đã ăn nhiều thực vật hơn thịt.
Ông nói chế độ ăn của người săn bắn hái lượm có rất nhiều loại thực vật và quả mọng, đồng thời lưu ý rằng đây không phải là thực phẩm giàu năng lượng nên sẽ không dẫn đến tăng cân.
Pontzer lo lắng rằng nghiên cứu về việc tập thể dục không dẫn đến việc giảm cân sẽ khiến mọi người ngừng tập thể dục. Nhưng điều đó không nên xảy ra. Tập thể dục - đặc biệt là đi bộ - vẫn là yếu tố đóng góp chính cho sức khỏe của các bộ lạc săn bắn hái lượm.
"Mặc dù thể dục không phải là một công cụ tuyệt vời để giảm cân, nhưng nó rất tốt cho mọi khía cạnh khác của sức khỏe con người, bao gồm cả sức khỏe tinh thần," Pontzer nói.
Ông nhấn mạnh: “Tập thể dục sẽ giúp bạn sống sót”./.