Phát hiện dấu tích người tiền sử cách đây 20.000 năm ở Lào Cai

Các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích và di vật là các công cụ lao động thô sơ của các cư dân hậu kỳ đá cũ sống cách ngày nay khoảng gần 20.000 năm tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai.
Công cụ lao động bằng đá của người tiền sử được phát hiện ở di chỉ Sủa Cán Tỷ, Cao nguyên Đồng Văn, Hà Giang. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 20/8, phó giáo sư-tiến sỹ Trình Năng Chung, Viện Khảo cổ học cho biết, đoàn khảo sát đã phát hiện được nhiều địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử cách ngày nay khoảng 20.000 năm trên vùng đồi gò huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Các địa điểm ở Khu Đền, cửa Ngòi Bát xã Gia Phú, Soi Giá xã Xuân Quang và Ngòi Nhù xã Sơn Hà.

Các di tích trên có đặc điểm địa hình chung là những đồi gò dạng bát úp khá cao liền kề nhau, vốn là bậc thềm sông cổ của sông Hồng. Các khu vực này đang được trồng sắn, ngô và chè.

Trưởng đoàn khảo sát Trình Năng Chung nhận định địa điểm Ngòi Nhù là nơi cư trú khá liên tục của nhiều thế hệ cư dân tiền sử ở Lào Cai và có thể là một trung tâm kim khí khá lớn thời Hùng Vương. Đây cũng là loại di tích còn hiếm gặp ở miền Bắc.

Hiện nay các nhà chuyên môn tiếp tục nghiên cứu và có kế hoạch khai quật trong thời gian tới.

Tại Khu Đền, Ngòi Bát và Ngòi Giá, đoàn phát hiện được một số công cụ cuội ghè kiểu văn hóa Sơn Vi rất điển hình của cư dân hậu kỳ đá cũ sống cách nay khoảng gần 20.000 năm.

Di vật bao gồm công cụ mũi nhọn, công cụ chặt đập, nạo thô, những mảnh tước đá và hòn ghè, chứng tỏ công cụ lao động được người tiền sử chế tác tại chỗ.

Trong diện tích gần 20.000m2, hàng trăm hiện vật đá mang đặc trưng của nhiều thời kỳ khác nhau trong thời tiền sử đã được tìm thấy. Có niên đại sớm nhất là những công cụ lao động thô sơ mang tính đa năng của người tiền sử. Tất cả đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ mang đặc trưng của công cụ hậu kỳ đá cũ, cách nay khoảng 20.000 năm.

Tiếp đến là những công cụ lao động có kỹ thuật tiến bộ hơn, được phân định chức năng rõ rệt như loại rìu ngắn, rìu hình bầu dục, công cụ hình đĩa. Đây là những công cụ do cư dân thời đá mới sơ kỳ chế tác, thuộc nền văn hóa Hòa Bình, có niên đại cách nay khoảng 8.000-9.000 năm.

Muộn hơn cả là những bộ di vật chứa rìu mài nhẵn toàn thân, cách ngày nay khoảng 4.000 năm./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục