Trong thông báo phát đi chiều 24/10, phía Thanh tra Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trong đợt phối hợp kiểm tra cùng Cục Cảnh sát phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao C50, cơ quan chức năng phát hiện các phần mềm vi phạm chủ yếu của các hãng như Microsoft, Lạc Việt, Autodesk, Adobe.
Tuy không tiết lộ tên của doanh nghiệp, song phía đoàn thanh tra cho hay, trong số sáu doanh nghiệp vi phạm nói trên, đáng chú ý có một doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực may mặc và túi nhựa sử dụng tổng số phần mềm không hợp pháp lên tới 4 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp còn lại gồm một đơn vị của Đài Loan (sản xuất giầy thể thao); một công ty của Nhật Bản (hoạt động trong lĩnh vực phát triển, lập trình phần mềm ứng dụng); một công ty liên doanh Việt-Anh (nghiên cứu và sản xuất hóa chất thuốc và dược liệu); một công ty 100% vốn Trung Quốc (sản xuất kinh doanh điều hòa, tủ lạnh, máy giặt) và một doanh nghiệp 100% vốn của Australia (cung cấp phần mềm ứng dụng và giải pháp quản lý tài liệu).
“Điều đáng nói là các công ty này đều có tiềm lực mạnh về tài chính. Là công ty có vốn đầu tư nước ngoài, họ hiểu rõ về luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp tài sản trí tuệ của người khác,” ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nói.
[Vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam giảm]
Ông Tarun Sawney, Giám đốc phụ trách công tác chống vi phạm bản quyền khu vực châu Á-Thái Bình Dương của BSA (Liên minh phần mềm doanh nghiệp) thì cho biết, chi phí mua phần mềm máy tính chỉ chiếm 5-6% tổng chi phí hàng năm của doanh nghiệp.
“Việc sử dụng phần mềm hợp pháp ngoài việc giúp doanh nghiệp không bị phạt khi đối mặt với cơ quan chức năng mà còn giúp họ những hỗ trợ về kỹ thuật, không bị nhiễm virus hay các phần mềm độc hại,” ông Tarun Sawney cho biết./.