Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một hành tinh mới - "siêu Trái đất," có kích thước lớn gấp 17 lần so với Trái Đất.
Các nhà thiên văn học đặt tên cho hành tinh đó là Kepler-10c, quanh ngôi sao chủ cách trái đất khoảng 560 năm ánh sáng.
Phát hiện này thực sự gây bất ngờ cho nhiều người, bởi nó đã phá vỡ học thuyết ban đầu về sự hình thành các hành tinh đá.
Phát hiện này được công bố ngay hôm qua 3/6, bởi một nhóm nghiên cứu từ Trung tâm thiên văn Havard-Smithsonian (Mỹ).
Tiến sỹ Dimitar Sasselov, một thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Kepler-10c còn lớn hơn cả những 'siêu trái đất' mà chúng ta từng phát hiện trước đây. Cụ thể lớn gấp 17 lần hành tinh chúng ta, có mật độ vật chất 7,5g/cm3 (mật độ vật chất của Trái Đất khoảng 5,5g/cm3)."
"Sự tồn tại của Kepler-10c cho thấy những hành tinh có bề mặt cứng có thể ra đời sớm hơn so với tính toán của chúng ta. Nếu có thể tạo ra đá, tức là thời điểm ấy đã có thể tạo ra sự sống."
Điều đáng chú ý, ngôi sao chủ của hành tinh này có tuổi lên đến 11 tỷ năm. Điều đó có nghĩa, ngôi sao này xuất hiện trong thời kỳ đầu của vũ trụ, khi các ngôi sao bắt đầu bùng nổ tạo ra những nguyên tố nặng, cần thiết tạo nên những hành tinh đá.
Thành viên nhóm nghiên cứu, Xavier Dumusque cho biết: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra những điều chúng tôi phát hiện."
Trước đó, các nhà khoa học đã nghĩ rằng, một hành tinh khổng lồ như Kepler-10 không thể là một hành tinh đá./.