Phát hiện họ hàng mới của nhện 'Góa phụ đen' có kích thước khổng lồ

Các nhà khoa học Nam Phi vừa phát hiện một loài nhện mới có tên là "Cúc áo Phinda," có họ hàng với nhện "Góa phụ đen" tại khu rừng cát nguyên sinh thuộc tỉnh KwaZulu-Nata.
Phát hiện họ hàng mới của nhện 'Góa phụ đen' có kích thước khổng lồ ảnh 1Loại nhện mới được phát hiện ở Nam Phi. (Nguồn: jacarandafm.com)

Các nhà khoa học Nam Phi vừa phát hiện một loài nhện mới tại khu rừng cát nguyên sinh thuộc tỉnh KwaZulu-Nata nằm ở phía Đông Bắc nước này. Đây là loài có họ hàng gần với "Góa phụ đen," loài nhện nổi tiếng với nọc độc có thể gây chết người và tập tính ăn sống "bạn tình" của con cái sau khi kết đôi.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, loài nhện mới có tên là "Cúc áo Phinda" (Phinda button spider), được các nhà khoa học đánh giá là có kích thước lớn nhất trong các loài nhện trên thế giới.

Đây là lần đầu tiên sau 30 năm các nhà khoa học tìm thêm được một loài nhện mới thuộc chi nhện "Góa phụ đen", nâng tổng số loài nhện thuộc chi này trên toàn thế giới lên 31 loài.

Barbara Wright, nhà khoa học thuộc quỹ bảo vệ thiên nhiên Wild Tomorrow Fund, người tìm ra loài nhện mới trên, cho biết xét trên quy mô thế giới, đây là một phát hiện vô cùng quan trọng vì nhện "Cúc áo Phinda" hiện sinh sống trong khu vực đang bị đe dọa nghiêm trọng về môi trường.

Phát hiện này sẽ giúp các nhà khoa học đưa ra phương án bảo vệ và duy trì nòi giống của loài nhện có kích thước khổng lồ này.

Cũng theo bà Barbara, ngoài kích thước đặc biệt, trong mùa sinh nở, nhện "Cúc áo Phinda" đẻ ra những buồng trứng màu đỏ tía không giống bất cứ loài nhện nào khác trên thế giới.

[Phát hiện loài nhện có đuôi tồn tại cách đây 100 triệu năm]

Các nhà khoa học đánh giá rằng đây cũng là loài đặc hữu chỉ tồn tại ở những khu rừng cát nguyên sinh thuộc khu vực phía Đông Bắc của Nam Phi tiếp giáp với Mozambique.

Trong các chi nhện thuộc loài "Góa phụ đen", chi sống ở phía Bắc Mỹ được xếp vào danh sách 10 loài động vật đáng sợ nhất trên thế giới bởi chúng sở hữu lượng nọc độc tiết ra trong một lần cắn mạnh gấp 15 lần nọc độc của rắn đuôi chuông.

Mặc dù sở hữu thân hình nhỉnh hơn chiếc kẹp giấy, nhưng chỉ với một vết cắn, loài nhện này cũng đủ khiến cho nạn nhân phải chịu đau đớn kinh khủng sau vài giây và đi kèm là các triệu chứng chuột rút dữ dội, mồ hôi chảy không kiểm soát, khó thở, suy tim. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.