Phát hiện một ngôi sao có quỹ đạo quay gần hố đen vũ trụ

Các nhà thiên văn học đến từ Đại học Curtin ở Tây Australia và Trung tâm nghiên cứu Thiên văn học Quốc tế thông báo đã phát hiện một ngôi sao có quỹ đạo di chuyển gần nhất quanh hố đen trong thiên hà.
Phát hiện một ngôi sao có quỹ đạo quay gần hố đen vũ trụ ảnh 1

Ngày 14/3, các nhà thiên văn học đến từ Đại học Curtin ở Tây Australia và Trung tâm nghiên cứu Thiên văn học Quốc tế thông báo đã phát hiện một ngôi sao có quỹ đạo di chuyển gần nhất quanh hố đen trong thiên hà của chúng ta.

Nằm trong cụm sao cầu 47 Tucanae, cách Trái Đất 14.800 năm ánh sáng trong dải Ngân Hà, hệ thống mang tên X9 dao động trong độ sáng 28 phút mỗi lần đã khiến các nhà khoa học nghĩ đến đó thực chất là một ngôi sao đang quay quanh một thực thể gần giống như hố đen.

Dù bộ đôi này đã được biết đến từ nhiều thập kỷ trước, song một lượng lớn khí oxy phát ra trong hệ thống này đã củng cố giả thuyết đây có thể là một ngôi sao lùn trắng quay quanh một hố đen với khoảng cách gấp 2,5 lần so với khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Các nhà khoa học cho biết hệ thống sao và hố đen không phải là hiếm trong vũ trụ, song rất khó để phát hiện và quan sát chúng. Tuy nhiên, với sự trợ giúp đắc lực của kính thiên văn vô tuyến, các nhà khoa học đã có thể quan sát được những tín hiệu sóng vô tuyến phát ra từ các hệ thống như trên.

Lý giải việc tại sao ngôi sao trên có khoảng cách gần với hố đen, các nhà khoa học cho rằng nhiều khả năng đây là kết quả của một vụ va chạm giữa một ngôi sao đỏ khổng lồ và một hố đen, khiến khí từ ngôi sao thoát ra, từ đó tạo nên một hệ nhị phân gồm một ngôi sao lùn mới hình thành và một hố đen vũ trụ như hiện nay.

Cụm sao 47 Tucanae chứa hàng nghìn ngôi sao cùng khoảng 20 pulsar (tàn dư của những ngôi sao chết) trong một không gian hình cầu có đường kính chỉ khoảng 120 năm ánh sáng. Các nhà khoa học từ lâu vẫn tìm kiếm về sự tồn tại của một hố đen bên trong lõi của cụm sao này. Thông thường, các nhà khoa học phát hiện hố đen bằng cách quan sát qua ánh sáng tia X khi chúng đang nuốt vật chất. Tuy nhiên, một hố đen trong cụm sao cầu thì ngược lại rất khó phát hiện bởi lực hấp dẫn của chúng rất lớn, khiến việc nuốt vật chất diễn ra nhẹ nhàng và không để lọt bất kỳ tia sáng nào ra ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.