Các nhà khảo cổ học tại Ai Cập vừa tìm thấy một ngôi mộ cổ có niên đại 4.400 năm gần vùng đất của những kim tự tháp nổi tiếng ở cao nguyên Giza, ngoại ô thủ đô Cairo.
Ngày 3/2, Bộ Cổ vật Ai Cập đã xác nhận thông tin trên, đồng thời bày tỏ hy vọng phát hiện mới này sẽ làm hồi sinh ngành du lịch khám phá đang gặp khó khăn ở đất nước Trung Đông này.
Theo thông báo của Bộ Cổ vật Ai Cập, ngôi mộ được tìm thấy nằm trong khu vực nghĩa trang rộng lớn ở phía Tây của Giza, vốn là nơi chôn giấu các ngôi mộ từ thời kỳ vương triều cổ xưa.
Căn cứ vào nội dung những bích họa còn rõ nét trong ngôi mộ, các nhà khảo cổ xác định được niên đại của ngôi mộ, đồng thời cho rằng đây là nơi yên nghỉ của một phụ nữ mang tên Hetpet - người mà giới khảo cổ tin rằng có mối quan hệ thân cận với hoàng gia Ai Cập Đế chế thứ 5.
Công tác khai quật ngôi mộ được xây dựng bằng gạch bùn này bắt đầu tiến hành vào tháng 10/2017.
Các nhà khảo cổ cho biết họ đã phải đào bới một diện tích rộng 250 đến 300m2 để tìm được ngôi mộ này.
Phát hiện nói trên tạo thêm niềm tin cho các nhà khảo về việc phát hiện thêm nhiều ngôi mộ cổ ở khu vực này trong tương lai.
Hetpet là cái tên từng được đề cập trong lịch sử khảo cổ Ai Cập. Những đồ vật thuộc về nhân vật này đã từng được tìm thấy tại khu vực này vào năm 1909 và sau đó được chuyển tới một viện bảo tàng ở thủ đô Berlin của Đức vào thời điểm đó.
[Hé mở hy vọng tìm thấy xác ướp vợ Vua Ai Cập Tutankhamun]
Tuy nhiên, cho đến nay, xác ướp của nhân vật này vẫn chưa được tìm thấy.
Các nhà khảo cổ tin rằng Hetpet còn một ngôi mộ cổ khác ở khu nghĩa trang phía Tây của Giza. Công tác khai quật vẫn đang được tiến hành đề tìm kiếm ngôi mộ thứ 2 này.
Hiện, Ai Cập đang xây dựng một viện bảo tảng mới gần khu vực khảo cổ nói trên. Viện bảo tàng này sau khi hoàn thành sẽ là nơi trưng này các cổ vật quý hiếm, trong đó có rất nhiều cổ vật thuộc về vị Vua trẻ tuổi nổi tiếng Tutankhamun.
Theo kế hoạch, viện bảo tàng này sẽ mở cửa một phần vào cuối năm 2018, trước khi chính thức khánh thành vào năm 2022.
Tháng Một vừa qua, Ai Cập đã đưa tượng cổ của một trong những vị vua nổi tiếng nhất trong đế chế Ai Cập cổ đại Rames II, đặt tại lối vào của viện bảo tàng. Dự kiến, sẽ có thêm 43 tượng lớn khác cũng được đặt tại đây.
Giới chức Ai Cập hy vọng viện bảo tàng sau khi đi vào hoạt động cùng với những phát hiện gần đây sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch vốn thiệt hại nặng do các cuộc tấn công của phiến quân cực đoan và cuộc chính biến lật đổ cựu Tổng thống Hosni Mabarak năm 2011./.