Trong năm 2014, có tới 1.500 sinh vật mới được tìm thấy trong các đại dương trên thế giới. Đây là kết quả thống kê của một nhóm nhà khoa học quốc tế trong quá trình thực hiện dự án WoRMS (Danh sách các loài sinh vật biển thế giới), được công bố trong ngày 12/3.
Các chuyên gia đã công bố danh sách tổng cộng 228.450 loài sinh vật biển trên toàn thế giới, từ tảo biển đến loài cá voi xanh, và ước tính vẫn còn từ 500.000 đến hai triệu sinh vật biển có cấu trúc đa bào vẫn chưa được biết đến. Ông Jan Mees, đồng Chủ tịch dự án WoRMS, thừa nhận cho đến nay việc khám phá các vùng biển sâu còn rất hạn chế. Nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trước khi chúng được tìm thấy, do tác động của tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu và acid hóa đại dương.
Trong năm 2014, dự án WoRMS đã xác định được 1.451 loài sinh vật biển mới (trung bình cứ 1 ngày tìm thấy 4 sinh vật mới), bao gồm loài cá heo lưng gù ở phía Bắc Australia, 139 loài bọt biển, một loài tôm có tên gọi là "thiên văn" (có mắt to hơn thân) ở Nam Phi và một loài sứa khổng lồ dài 50 cm, có nọc độc, được tìm thấy ngoài khơi Australia.
Kể từ khi dự án WoRMS được tiến hành vào năm 2008, các nhà nghiên cứu cũng đã liệt kê khoảng 1.000 loài cá mới, trong đó có 122 loài cá mập, cá đuối và một con nhồng mới ở vùng biển Địa Trung Hải. Theo đánh giá, hiện có khoảng 18.000 loài cá vẫn chưa được biết đến.
Cùng với các loài mới được tìm thấy, danh sách các sinh vật biển trên thế giới cũng đã giảm khoảng 190.000 loài, từ 419.000 loài được tìm thấy xuống còn 228.450, do các nhà khoa học phát hiện chúng trùng lặp với những sinh vật biển đã được biết đến trước đó.
Giới khoa học nhấn mạnh nhiều loài sinh vật biển có thể mang lại giá trị kinh tế lớn, trong đó bọt biển và các động vật thân mềm là những loài có tác dụng phòng chống các bệnh ung thư ở người. Ngoài ra, việc khảo sát các sinh vật biển phục vụ "công nghệ sinh học xanh" xung quanh các miệng núi lửa chìm sâu dưới đại dương, cũng có thể giúp phát hiện các vật liệu chịu nhiệt và các chất độc, phục vụ hiệu quả mục đích của con người.
Hiện các vùng sâu dưới đại dương và các rạn san hô nhiệt đới được xem là những địa điểm hứa hẹn sẽ tìm thấy nhiều sinh vật lạ. Trong khi đó, Ấn Độ Dương là vùng biển rộng lớn, đa dạng sinh học vẫn chưa được giới nghiên cứu khám phá nhiều so với Đại Tây Dương và Thái Bình Dương./.