Phát hiện xác ướp đặc biệt có chứa hai thai nhi ở Ai Cập

Một xác ướp có thể đã giữ trong mình một bí mật được ẩn giấu suốt hàng ngàn năm qua: cô có bào thai ẩn thứ hai, bên cạnh một bào thai chính.

Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy bào thai thứ hai trong xác ướp ở Ai Cập. (Nguồn: Miami Herald)
Hình ảnh chụp cắt lớp cho thấy bào thai thứ hai trong xác ướp ở Ai Cập. (Nguồn: Miami Herald)

Theo tờ International Journal of Osteoarchaeology, trong một lần kiểm tra gần đây ở Ai Cập, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một xác ướp có chứa một bào thai ẩn trong cơ thể.

Xác ướp này được khai quật tại nghĩa trang El Bagawat, nằm ở phía Nam Ai Cập, trong một chuyến khảo cổ thực hiện vào năm 1908. El Bagawat là một nghĩa trang Thiên chúa giáo cổ đại, cũng là một trong những nghĩa trang lâu đời nhất trên thế giới

Được biết xác ướp này có niên đại vào thời Hậu nguyên của Ai Cập cổ đại, kéo dài từ năm 404 đến năm 343 trước Công nguyên. Các nhà nghiên cứu cho biết rằng xác ướp được tìm thấy trong tình trạng được quấn bằng các tấm vải và được phủ một lớp muối khá lớn.

Người phụ nữ nằm trong đó được ước tính có độ tuổi từ 14 đến 17. Không chỉ vậy, người ta còn tìm thấy một phần thi thể của một thai nhi nằm trong khoang chậu của cô. Các nhà nghiên cứu xác định rằng người phụ nữ đã chết trong quá trình sinh con, do đầu của thai nhi bị mắc kẹt trong quá trình chui ra khỏi tử cung.

Francine Margolis, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đây là một phát hiện rất hiếm gặp. Dữ liệu khảo cổ cho thấy người ta đã phát hiện vài trường hợp phụ nữ tử vong trong quá trình sinh đẻ (thậm chí đã có trường hợp sinh đôi được tìm thấy). Tuy nhiên cho tới trước đó, người ta chưa từng thấy một ca tử vong khi sinh con ở Ai Cập."

Trong cuộc kiểm tra mới, sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp và chiếu xạ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một bào thai ẩn thứ hai nằm ở vùng ngực của bà mẹ. Hiện chưa rõ vì sao bào thai này lại nằm ở đó, nhưng các nhà nghiên cứu đặt ra một giả thuyết.

Theo đó, thai nhi thứ hai có lẽ đã được ướp xác cùng với người mẹ, khi bé vẫn đang nằm trong cơ thể cô. Sau một khoảng thời gian dài, quá trình phân hủy làm tan vỡ vùng cơ hoành và các mô liên kết khác, khiến thai nhi có khả năng đã bị dịch chuyển đến khoang ngực của người mẹ.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện mới đã cho thấy việc sinh con nguy hiểm như thế nào vào thời cổ đại. Đặc biệt, việc mang thai đôi bị coi là một điềm xấu và mọi phụ nữ đều không muốn rơi vào hoàn cảnh đó.

Francine cho hay: “Chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng người Ai Cập biết việc sinh đôi đem đến nhiều rủi ro và biến chứng hơn nên đã cố gắng để phụ nữ không rơi vào tình huống mang thai đôi. "

Người ta từng tìm thấy một câu thần chú được viết trong một tấm giấy cói cổ với nội dung: “Chúng ta sẽ khiến (người mẹ) thụ thai và chỉ sinh ra những đứa con trai hoặc con gái. Chúng ta sẽ bảo vệ (người mẹ) khỏi thần Horus, khỏi sự sinh đẻ bất thường và sinh đôi.”

Được biết nhiều nền văn hóa cổ đại, bao gồm cả Babylon và Hy Lạp, đều coi các cặp song sinh là những điềm xấu. Nguyên nhân do vào thời cổ đại, trẻ sinh đôi thường ốm yếu hoặc bị sinh non. Ngoài ra còn phải kể tới các vấn đề như bà mẹ sẽ gặp khó khăn nhiều hơn khi cho hai con bú cùng một lúc và niềm tin vào hiện tượng bội thụ tinh, khi người cổ đại cho rằng phải có hơn một người đàn ông tham gia vào quá trình thụ thai thì phụ nữ mới có thể sinh đôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.