Theo một kết quả nghiên cứu mới đăng trên Antiquity - một tạp chí chuyên về khảo cổ học thế giới, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện xưởng đúc tiền cổ nhất thế giới, có niên đại khoảng 2.500 năm trước tại tỉnh Hà Nam (Henan), miền Trung nước này.
Sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng cacbon phóng xạ, các nhà khảo cổ học Trung Quốc khẳng định một xưởng đúc đồ đồng tại di chỉ Quan Trang (Guanzhuang) ở thành phố Hành Dương (Xingyang), phía Tây thủ phủ Trịnh Châu (Zhengzhou) của tỉnh Hà Nam đã bắt đầu đúc tiền kim loại tiêu chuẩn vào khoảng năm 640-550 trước Công nguyên. Theo các nhà khoa học, đây là xưởng đúc tiền ra đời sớm nhất trên thế giới được biết đến.
Trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ cũng phát hiện 4 loại cổ vật liên quan đến sản xuất tiền xu, bao gồm: tiền xu, khuôn đúc đã qua sử dụng và chưa sử dụng, khuôn vành. Họ cũng tìm thấy một số hố - vốn là nơi chứa một lượng lớn phế thải đúc đồ đồng, trong đó có lẫn cả hai đồng tiền kim loại thành phẩm.
Các nhà khoa học cho rằng những đồng tiền xu này có thể đã được lưu hành vào thời Xuân Thu (năm 770-476 trước Công nguyên) và thời Chiến quốc (475-221 trước Công nguyên). Chúng có thể là những đồng tiền kim loại cổ nhất của Trung Quốc.
[Người Neanderthal - “cha đẻ” của những hình vẽ trong hang động]
Phát hiện mới tại khu xưởng nói trên không chỉ cung cấp cơ sở khảo cổ học rõ ràng cho các nghiên cứu về thời điểm chính xác của việc sản xuất tiền tệ, mà còn giúp phản ánh cơ chế kinh tế và xã hội trong quá trình phát triển của tiền kim loại.
Di chỉ khảo cổ Quan Trang được khai quật lần đầu tiên vào năm 2010. Đây từng là một thành phố được xây dựng vào khoảng 800 năm trước Công nguyên dưới thời Tây Chu và bị bỏ hoang vào khoảng năm 450 trước Công nguyên.
Các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều dấu tích về các xưởng thủ công mỹ nghệ tại khu vực này, trong đó bao gồm cả đúc đồng, làm gốm và sản xuất đồ tạo tác bằng xương động vật./.