Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Một trong những nhân tố tạo nên mối đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân chính là người có uy tín trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Trên địa bàn tỉnh miền núi Yên Bái hiện có 30 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 55%. Những năm qua, nhân dân các dân tộc trên trong tỉnh đã đồng lòng, đoàn kết sát cánh cùng với Đảng bộ, chính quyền trong bảo vệ và xây dựng quê hương.

Một trong những nhân tố tạo nên mối đoàn kết, cầu nối giữa Đảng, chính quyền với người dân chính là người có uy tín trong cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Yên Bái hiện có trên 1.150 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy tinh thần gương mẫu, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ chấp hành tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mà còn là hạt nhân trong phát triển kinh tế hộ, tấm gương cho con cháu và người dân noi theo.

Nhiều năm qua, với sự gương mẫu và uy tín của mình, những người có uy tín đã phát huy vai trò quan trọng trong đời sống của người dân tại các thôn, bản; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Ông Giàng A Phử, thôn Sài Lương 4, xã An Lương, huyện Văn Chấn là điển hình người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh. Hơn 30 năm qua, ông A Phử đã gây dựng được trang trại trồng quế nổi tiếng khắp vùng.

Ông còn là người tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xây dựng nếp sống văn minh, từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu như hôn nhân cận huyết thống, di cư tự do, tham gia hoạt động tôn giáo trái pháp luật... Ông vận động nhân dân trong thôn ươm bầu, trồng quế con nhằm phát triển kinh tế.

Ông chia sẻ muốn thoát nghèo phải mạnh dạn làm những cây mũi nhọn, từ đó gia đình ông chọn cây quế để phát triển kinh tế. Loại cây này thu hoạch lâu năm nên người trồng quế cần có sự kiên trì.

[Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp mặt các già làng, trưởng bản tiêu biểu]

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Lương Hoàng Văn Cội cho biết ông Giàng A Phử đã tích cực hướng dẫn nhiều gia đình trên địa bàn phát triển kinh tế, thoát nghèo. Bên cạnh đó, ông cùng với Đảng ủy, chính quyền huy động đồng bào dân tộc người Mông trên bản Bún xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa mới.

Ông Hoàng Đình Thăng, thôn Đại Thành, xã Đại Phác, huyện Văn Yên cũng là người đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường và tham gia hòa giải các vụ việc, mâu thuẫn ở địa phương.

Năm 2016, phát hiện có hành vi truyền đạo trái phép tại một số gia đình trên địa bàn thôn, ông kịp thời báo với chính quyền xã ngăn chặn, đồng thời tuyên truyền tới nhân dân về những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo để đồng bào không bị các đối tượng xấu lợi dụng.

Ngoài ông Phử và ông Thăng, ông Dương Quốc Mong, ở thôn Cây Mơ, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên cũng được nhân dân tín nhiệm và bầu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gần 10 năm nay.

Ông thường xuyên tuyên truyền, vận động, phổ biến cho người dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định ở địa phương. Cùng với đó là việc đi đầu trong các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông cũng vận động người dân xây dựng mô hình kinh tế gia đình, nhiều hộ trong thôn không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập cao.

Tỉnh Yên Bái hiện có 81 xã vùng III và 177 thôn vùng đặc biệt khó khăn của xã vùng II, điều kiện giao thông khó khăn, nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Vì vậy, vai trò của người có uy tín rất quan trọng. Họ là những người nắm được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng hay khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, họ còn có vai trò trong việc giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, dân tộc để không ngừng đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, hàng năm, tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật mới của Đảng, Nhà nước, tình hình, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tham quan, học tập kinh nghiệm cho đội ngũ này. Song song với đó là đẩy mạnh sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc triển khai các chính sách, trong đó có Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Bà Nông Thị Kim Cúc, Phó trưởng Ban, phụ trách Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái, cho biết những năm qua, tỉnh Yên Bái luôn coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ là những người nói và nghe bằng tiếng đồng bào mình, hiểu được lịch sử dân tộc, địa phương và có ý thức xây dựng cộng đồng, trách nhiệm với nơi mình sinh sống.

Những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số chính là đại diện, nòng cốt tạo nên sự đoàn kết, cầu nối quan trọng giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với người dân địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục